Chỉ có 8,4% trẻ vị thành niên được tiếp cận
Thực tế ở Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường, chưa được chú trọng nhiều. Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef Việt Nam), tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam đối với trẻ em và vị thành niên từ 8 - 29%, tỷ lệ số ca tự tử trên tổng số ca tử vong ở trẻ vị thành viên là 2,3%.
Một khảo sát dịch tễ học trên mẫu đại diện cho thấy mức trung bình các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em vào khoảng 12% tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Cùng với đó, số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.
Điều đáng nói, cùng với sự phát triển của xã hội, dường như các mối liên kết trong gia đình đang trở nên lỏng lẻo, mặt trái của cơ chế thị trường, những cám dỗ của cuộc sống hiện đại đã khiến tội phạm là người dưới 18 tuổi ngày càng trẻ hóa. Sự thiếu quan tâm hoặc quan tâm không đúng cách sẽ trở thành một trong những nguyên nhân vô tình đẩy trẻ vào con đường phạm tội. Có thể thấy, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiệm trọng đến sự phát triển thể chất, học tập và sinh hoạt của trẻ.
Tuy nhiên, theo Báo cáo Điều tra Sức khỏe Tâm thần Vị thành niên Việt Nam mới đây cho thấy, chỉ có 8,4% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho các vấn đề về cảm xúc và hành vi.
Chị Hoàng Thị Quỳnh (Phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết bản thân chị vừa là mẹ của 2 cậu con trai đang trong độ tuổi vị thành niên vừa là một y tá nên thấy được tầm quan trọng của việc quan tâm đến sự thay đổi tâm sinh lý của con trong giai đoạn này.
"Thực tế, các triệu chứng rối loạn sức khỏe tâm thần rất khó nhận thấy và đôi khi chính bản thân các em không nhận ra. Đáng nói, thường các bậc phụ huynh chỉ tìm đến bác sĩ khi tình trạng của con mình đã trở nên nghiêm trọng và dẫn đến việc chữa trị gặp rất nhiều khó khăn" - Chị Hoàng Thị Quỳnh nhấn mạnh.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ tư vấn
Thực tế, hiện nay các dịch vụ tư vấn về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội đã được cung ứng thông qua các trung tâm bảo trợ và công tác xã hội, các bệnh viện và các phòng tham vấn tâm lý học đường nhưng mới chỉ tập trung ở những rối loạn tâm thần nặng.
Trong khi đó, tương lai chúng ta đang hướng đến việc đẩy mạnh, nâng cao số lượng và chất lượng nguồn thông tin nhân lực, số lượng và loại hình dịch vụ đặc biệt là những dịch vụ hướng đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần không phải thể nặng.
Nhận thấy được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ tư vấn sức khỏe tâm thần và tâm lý cho trẻ vị thành niên, nhóm nghiên cứu gồm Khoa Y, Khoa Luật, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Hòa Bình đã xây dựng "Dự án Tư vấn sức khỏe tâm thần trực tuyến góp phần phòng ngừa tội phạm ở tuổi vị thành niên" (Dự án).
Anh Nguyễn Sơn Hải, Trưởng nhóm nghiên cứu Dự án cho biết, nhóm mong muốn tạo ra một nền tảng ứng dụng giúp tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần từng bước đáp ứng mọi nhu cầu dịch vụ trẻ vị thành niên (trong nước và quốc tế), đặc biệt cho khoảng hơn 3 triệu trẻ em đang mắc những bệnh lý về tâm thần. Bởi thực tế, các dịch vụ tư vấn cho nhóm đối tượng này đang chỉ mới tiếp cận cho những người bị rối loạn tâm thần nặng.
Trong khi đó, số lượng người sử dụng internet ở Việt Nam tương đối cao nên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ tư vấn sẽ giúp các em và gia đình có thể tiếp cận một cách toàn diện. Đặc biệt, có thể giúp các em khi có vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng mặc cảm không muốn tiếp xúc trực tiếp thì có thể tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý thông qua hình thức trực tuyến.
Em Đặng Trọng Nghĩa, học sinh trường THPT Diễn Châu 5 (Nghệ An) chia sẻ, "chúng em đang ở độ tuổi tâm sinh lý đang phát triển nên việc nhận thức về các hành vi của mình còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, không phải vấn đề nào bọn em cũng có thể chia sẻ được với gia đình, bạn bè hay thầy cô nên nhiều khi không biết nên xử lý thế nào. Do đó, không ít trường hợp các bạn phải vào các group trên mạng xã hội để tìm lời khuyên của cộng đồng mạng. Song, bản thân em nhận thấy việc tìm kiếm sự tư vấn như vậy cũng mang lại khá nhiều rủi ro".
Việt Nam hiện chưa có app hoặc web tư vấn chuyên biệt về "sức khỏe tâm thần trực tuyến cho trẻ tuổi vị thành niên". Chính vì vậy, việc ứng dụng, tích hợp các ưu thế tế của công nghệ số, mạng xã hội, các phương tiện hiện đại và hoạt động tư vấn sức khỏe, tâm lý cho trẻ vị thành niên là điều cần thiết.
Bởi lẽ, hiện nay số lượng trẻ vị thành niên sử dụng điện thoại chiếm tỷ lệ cao nên việc ứng dụng app hoặc web tư vấn sẽ dễ dàng tiếp cận nhóm đối tượng này. Qua đó, giúp tăng số lượng trẻ vị thành niên có thể tiếp cận được với các thông tin, các nhà tâm lý, các cơ sở khám, chữa bệnh về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trên toàn quốc.
Có thể thấy, đây là một Dự án có giá trị nhân văn nhân sâu sắc và có ý nghĩa to lớn cho xã hội. Thông qua Dự án, giúp trẻ vị thành niên được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và sẵn sàng các biện pháp phòng ngừa để ứng phó với những khó khăn tâm lý và tình cảm trong mối quan hệ với cha mẹ, thầy, cô, bạn bè và những người xung quanh. Đặc biệt, thông qua Dự án giúp trang bị cho phụ huynh những kiến thức và kỹ năng để họ có thể giúp làm dịu các vấn đề của con em họ gặp phải ở trường, trong gia đình và ngoài xã hội…
Phó phòng Kiểm định, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) (Cục An toàn thông tin mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông) Đinh Thị Như Hoa cho biết, theo Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) có đến 83% trẻ từ 12 - 13 tuổi sử dụng internet, con số này tăng lên 93% đối với độ tuổi từ 14 - 15 tuổi. Có thể thấy, Việt Nam là nước có tỷ lệ trẻ em sử dụng internet cao, phần trăm sử dụng internet tăng dần theo độ tuổi.