Nguồn lực công khó bảo đảm nhu cầu
Được ngân sách đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho mỗi dự án, thế nhưng trải qua nhiều năm triển khai, nhiều dự án trọng điểm của TP. Hà Nội vẫn chưa thể hẹn ngày hoàn thành như: Dự án tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội (tuyến 2) đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá…
Đây là minh chứng điển hình cho hàng loạt dự án đầu tư công do địa phương quản lý chưa đạt được hiệu quả như đề ra. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở các dự án do Trung ương quản lý.
Trên cả nước, hiện có hàng trăm dự án được đầu tư từ nguồn lực công bị chậm tiến độ. Điều này đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý cũng như định hướng lựa chọn phương thức đầu tư cho dự án. Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, được triển khai dưới hình thức đầu tư công song điều đó cũng không thể giúp các dự án bảo đảm tiến độ cũng như tuân thủ quy định về đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho biết, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP. Tuy nhiên tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 2.9 triệu tỷ đồng).
Cũng theo Ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết Đại hội XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam mới đưa vào khai thác 1.417km đường cao tốc.
Để đáp ứng các mục tiêu về đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ cần huy động nguồn vốn rất lớn. Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 là khoảng 900.000 tỷ đồng, trong đó, vốn cho các dự án đường bộ cao tốc khoảng 728.000 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025 khoảng 400.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến khoảng 328.000 tỷ đồng).
“Như vậy, vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư hạ tầng. Trong bối cảnh đó, thu hút đầu tư PPP là giải pháp để giảm áp lực cho ngân sách, huy động một lượng vốn lớn từ khu vực tư nhân để góp phần giải quyết nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và chất lượng sống của người dân”, đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho biết.
Hiện thực hóa chủ trương của Đảng bằng hành động
Chủ trương thu hút đầu tư tư nhân của Đảng, Nhà nước được thể hiện rõ trong nhiều nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật và mới đây là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, trên thực tế, phương thức đầu tư này vẫn gặp nhiều rào cản; nhà đầu tư vẫn chưa được nhìn nhận vai trò một cách đúng đắn. Điều này thể hiện rõ qua số dự án ít ỏi được triển khai theo quy định của Luật PPP: mới có 10 dự án mới được phê duyệt, 14 dự án vẫn đang trong quá trình triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; hầm Cổ Mã ra Đèo Cả, Cù Mông và hầm Hải Vân 2 nối Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng… là những ví dụ điển hình về mô hình hợp tác công tư PPP, với việc nhà đầu tư tư nhân đã tham gia xây dựng nhiều lĩnh vực hạ tầng quan trọng, công trình lớn có kỹ thuật phức tạp, kịp thời giải quyết các nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu đối với sản xuất trong nước.
Ban Kinh tế Trung ương
Trước tình hình trên, ở góc độ là cơ quan chủ trì xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2021/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP, Bộ Tài chính đang rà soát vướng mắc Nghị định và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung.
Một trong những vướng mắc được Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Dương Bá Đức chỉ ra liên quan đến trình tự, thủ tục thanh toán vốn nhà nước khi áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm. “Nghị định số 28/2021/NĐ-CP được xây dựng trên nguyên tắc dự án do Trung ương quản lý thì sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương. Điều này dẫn đến vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục thanh toán dự phòng ngân sách Trung ương đối với các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý của Trung ương song địa phương được giao là cơ quan có thẩm quyền”, ông Đức cho biết.
Chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải trong Kỳ họp Quốc hội tháng 5 vừa qua, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai), cũng cho rằng các quy định về tỷ lệ vốn nhà nước trong Luật PPP, quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ liên quan đến chi ngân sách ở Trung ương và ngân sách địa phương có rất nhiều điểm vướng. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải cần có tổng kết, đánh giá và tham mưu cho Chính phủ báo cáo cơ quan có thẩm quyền những vấn đề liên quan đến thể chế, để khơi dậy được nguồn lực thật sự cần thiết cho phát triển giao thông trong thời gian tới.
Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, sự bất bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong hợp đồng PPP cũng là một trở ngại. Cơ quan nhà nước yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện nhiều cam kết, nếu không thực hiện đúng sẽ bị xử lý vi phạm. Vậy nhưng ở chiều ngược lại, cơ quan nhà nước trong các trường hợp không thực hiện đúng cam kết (như cấp vốn chậm, tự cắt trạm thu phí theo phương án tài chính; không tăng phí theo cam kết; mở đường song hành làm giảm lưu lượng; ra lệnh đóng trạm hay áp đặt điều kiện thu phí không dừng…), gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ngân hàng thì không có chế tài xử lý. Hậu quả để lại là nhà đầu tư nản chí, không hào hứng tham gia các dự án PPP.
“Muốn thúc đẩy PPP thì phải giữ được bản chất “đối tác” của phương thức đầu tư này, thay vì nhà đầu tư luôn ở thế yếu còn bộ, ngành, địa phương vẫn mang quán tính “quản lý”; lỗi của nhà đầu tư thì “trị” đến nơi đến chốn, còn lỗi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không “trị” gì cả”, ông Trần Chủng nói.
Các ý kiến cũng cho rằng, để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư PPP, ngoài việc tập trung rà soát, sửa đổi quy định, tháo gỡ vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách, quá trình này cần phải được thực hiện đồng thời trên thực tế thông qua việc mạnh dạn áp dụng PPP với các dự án mà nhà đầu tư có khả năng thực hiện tốt.
Khẳng định nhiều dự án rất khả thi để thu hút nhà đầu tư PPP, nhưng Nhà nước dùng nguồn lực công để đầu tư như: Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…, trong khi những dự án khó, lưu lượng xe dự kiến thấp thì lại kêu gọi đầu tư PPP, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, điều này đang không đi đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa. Theo đó, nguồn lực công chỉ tập trung vào địa bàn khó khăn, nơi tư nhân không có điều kiện để làm; tạo thuận lợi tối đa để thu hút đầu tư từ xã hội. “Cơ quan chức năng cần nhìn nhận lại vấn đề này để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, cũng như thúc đẩy phương thức PPP trên thực tế” - ông Ánh đề nghị.
Theo các chuyên gia, Nhà nước cần quan tâm, khơi thông chính sách và tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư dựa trên nguyên tắc bình đẳng, đảm bảo quyền lợi của các bên. Điều này còn nhằm hiện thực hóa chủ trương thu hút đầu tư từ xã hội của Đảng, Nhà nước và đưa Luật PPP vào cuộc sống một cách tích cực hơn.