Với liều điều trị, sau uống khoảng 1 giờ, thuốc được hấp thu hoàn toàn. Khi dùng quá liều, thuốc được hấp thu hết sau 4 giờ, ngoại trừ khi bệnh nhân uống đồng thời các thuốc làm chậm quá trình rỗng dạ dày và khi thuốc ở dạng giải phóng chậm thì thời gian hấp thu lâu hơn. 90% thuốc được chuyển hóa theo con đường sunphat hóa và glucuronit hóa, phần còn lại được gan chuyển hóa nốt. Hoạt động chuyển hóa phụ thuộc theo tuổi, ở tuổi càng nhỏ thì chuyển hóa theo con đường sunphat càng nhiều. Một chất chuyển hóa gan giải phóng là NAPQI gắn với màng tế bào gan và nếu không bị trung hòa bởi các chất chống ôxy hóa thì sẽ gây tổn thương lớp màng lipid kép của tế bào. Khi quá liều paracetamol thì sẽ gây tổn thương cho tế bào gan.
Quá liều paracetamol kéo dài: liều paracetamol dùng hàng ngày được khuyến cáo là không quá 60 - 80mg/kg/ngày và không được quá 4g/ngày với người lớn, không quá 80mg/kg với trẻ em. Khi dùng với liều cao hơn kéo dài có thể gây ngộ độc.
Quá liều mạn tính paracetamol thường do sai lầm về điều trị trong các hoàn cảnh sau: bệnh nhân tăng dần liều hàng ngày do tin rằng thuốc an toàn, sử dụng thêm các biệt dược khác cũng có chứa paracetamol hoặc bệnh nhân là trẻ em nhưng lại dùng các biệt dược chứa paracetamol của người lớn.
Với những đặc điểm chuyển hóa như trên, cần hết sức thận trọng khi sử dụng paracetamol, nhất là trong những trường hợp đặc biệt: đối với phụ nữ có thai, Paracetamol là thuốc hạ sốt giảm đau không có chống chỉ định. Tuy nhiên, khi quá liều paracetamol có thể gây độc với thai vì thuốc này dễ dàng qua được nhau thai. Đối với người nghiện rượu, khi dùng quá liều paracetamol có nguy cơ ngộ độc cao hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn người bình thường. Những bệnh nhân nhịn đói: do chuyển hóa paracetamol theo con đường glucuronit hóa bị giảm và tăng chuyển hóa qua hệ cytocrom P450 dẫn tới việc tạo ra nhiều NAPQI hơn.