Theo đó, tiền lương của người lao động thuộc Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 9,8 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm trước. Tiền lương trong doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng lần lượt 8%, 2,5% so với năm 2022.
Theo báo cáo của các địa phương, có 19 doanh nghiệp ở 9 tỉnh/thành phố nợ 55,3 tỷ đồng tiền lương của 2.632 người lao động. Như vậy, bình quân mỗi người lao động bị nợ 21 triệu đồng.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, so với năm 2022, số doanh nghiệp, người lao động và tổng số tiền nợ đều giảm. Song, mức nợ lương bình quân tính trên lao động cao hơn năm 2022. Về thưởng Tết Nguyên đán, mức thưởng bình quân là 6,83 triệu đồng, gần bằng so với mức thưởng năm trước.
Trong khi mức tiền thưởng của người lao động trong Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp dân doanh tăng thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có mức thưởng giảm rõ rệt, lên đến 16% so với 2023.
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành về tình hình tiền lương, thưởng Tết 2024 cho thấy, về tiền lương năm 2023, tăng 3% so với năm ngoái, bình quân ước đạt 8,49 triệu đồng/tháng. Tiền lương cao nhất năm nay là 834 triệu đồng/tháng thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Đồng Nai.
Trên 56% doanh nghiệp có kết hoạch thưởng Tết Dương lịch với mức thưởng bình quân là 1,85 triệu đồng/người, tăng 49% so với năm trước. Trên 61% doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán với mức thưởng bình quân là 6,85 triệu đồng/người, tương đương mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2023.
Trong đó, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất hơn 376 triệu đồng/người thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở tỉnh Vĩnh Phúc. Còn mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 5,68 tỷ đồng/người thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp FDI ở tỉnh Long An.