Trước tiên, để lựa chọn được nhà thầu tốt, việc hoàn thiện pháp luật đã được nước ta thực hiện mạnh mẽ trong 3 năm trở lại đây, nhất là khi Luật Đấu thầu sửa đổi (2013) đưa ra nhiều biện pháp kiên quyết trong việc lựa chọn nhà thầu dự án. Đặc biệt Luật đã thực hiện phân cấp triệt để trong đấu thầu; đồng thời quy định chặt chẽ trách nhiệm giải trình của người có thẩm quyền, chủ đầu tư trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, tránh tình trạng khép kín trong đấu thầu.
Tiếp đó, Luật Đấu thầu sửa đổi đã bổ sung quy định về yêu cầu giám sát của cộng đồng trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu và thực hiện theo hợp đồng, bổ sung trách nhiệm về giám sát của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của cá nhân đối với từng loại hoạt động trong quá trình đầu thầu để có cơ sở quy định chế tài xử lý vi phạm tương ứng với từng hành vi vi phạm. Đây rõ ràng là cơ sở để hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia đấu thầu các dự án, cả trong và ngoài nước. Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Tăng cho rằng, quan trọng là khuôn khổ pháp lý phải rõ ràng minh bạch. Nếu không, nhà đầu tư sẽ ngập ngừng. Chính vì vậy, Chính phủ đang khẩn trương ban hành nghị định về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong quy định cũng nói rõ, Chính phủ bảo lãnh về chuyển đổi ngoại tệ, chứ không bảo lãnh về tỷ giá. Tỷ giá là việc nhà đầu tư tự tính và đưa vào giá phí khi chào thầu.
Một vấn đề khác, đó là quy định về ký kết, thực hiện và quản lý hợp đồng. Luật hiện hành đã tăng cường hơn trách nhiệm của nhà thầu và chủ đầu tư trong quá trình thực hiện hợp đồng, ngăn ngừa được tình trạng áp dụng loại hợp đồng không phù hợp với tính chất của gói thầu, điều chỉnh giá hợp đồng, điều chỉnh hình thức hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng một cách tùy tiện, gây lãng phí. Theo quy định trong Luật mới, hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản. Khi quyết định áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá điều chỉnh thì người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải bảo đảm loại hợp đồng này là phù hợp hơn so với hợp đồng trọn gói. Trên cơ sở hành lang pháp lý được hoàn thiện và đổi mới, sự hấp dẫn đối với hạ tầng giao thông - “tài sản của quốc gia trong tương lai” chắc chắn sẽ ngày một hấp dẫn hơn. Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 Nguyễn Tuấn Huỳnh cho rằng, ngoài Bộ Giao thông - Vận tải, thì Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Kế hoạch - đầu tư, thực hiện dự án khả thi trên cơ sở kỹ thuật, kinh tế. Tuy nhiên, một thời gian rất ngắn cho các bước đầu tư đều ảnh hưởng đến hạch toán. Rất mong muốn rút ngắn thủ tục hành chính, được như vậy thì mang lại giá trị và lợi ích cho Nhà nước, chứ không chỉ nhà đầu tư.
Cũng đơn cử một thực tế, đối với trường hợp Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, trong các văn bản luật cũng đề cập tới biện pháp xử lý đối với dự án này. Cụ thể, trong Nghị định 63 về hướng dẫn Luật đấu thầu, tại Điều 117 đã quy định rõ, không chỉ ở gói thầu của EPC (tổng thầu) mà trong bất kỳ gói thầu nào, nếu quá trình thực hiện thi công, nhà thầu không bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, chủ đầu tư có quyền yêu cầu đối với đơn vị đầu tư chấm dứt hợp đồng. Trên cơ sở hoàn thiện thủ tục pháp lý và các văn bản pháp luật ngày một chặt chẽ, xác định rõ cơ sở để lựa chọn nhà thầu đúng; đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để chấm dứt hợp đồng với những nhà thầu, kể cả tổng thầu không có đủ năng lực để hoàn thiện cam kết của hợp đồng, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng các dự án.