Chuyển biến rõ nét
Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Duy Hoàng Dương đánh giá chỉ số PAPI, SIPAS của Hà Nội còn thấp, phản ánh sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính chưa cao. "Đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ cho biết các giải pháp khắc phục tình trạng trên" - đại biểu Duy Hoàng Dương đặt câu hỏi. Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết: Sau khi thành phố ban hành hai bộ quy tắc ứng xử năm 2017, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố cụ thể hóa các nội dung kiểm tra công vụ, trong đó có tập trung một số nội dung liên quan đến thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử. Đồng thời, Sở cũng dành nhiều thời gian kiểm tra các đơn vị cấp xã là nơi trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính của người dân. "Qua kết quả kiểm tra, từ khi có ban hành bộ quy tắc có thể thấy đã có sự chuyển biến rõ nét, cơ bản qua kiểm tra, các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các nội dung về quy tắc ứng xử" - Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đề ra nhiều giải pháp căn cơ, hiệu quả như: Công tác tiếp dân được cơ bản quan tâm; tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính đúng hẹn; gửi thư xin lỗi công dân, tổ chức về việc hồ sơ bị xử lý chậm, muộn... "Bằng những giải pháp nêu trên, chỉ số cải cách hành chính của thành phố có nhiều cải thiện rõ rệt. Nếu như năm 2015 Hà Nội đứng thứ 9 về chỉ số cải cách hành chính thì đến nay, Hà Nội đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố" - bà Vũ Thu Hà dẫn chứng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Bình về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí của Thủ đô trong tuyên truyền các bộ Quy tắc ứng xử, Tổng Biên tập Báo Kinh tế - Đô thị Nguyễn Minh Đức khẳng định: Mỗi năm Báo Kinh tế - Đô thị thực hiện 200 - 300 tin, bài trên các ấn phẩm để góp phần chấn chỉnh hành vi lệch lạc, vi phạm 2 bộ quy tắc ứng xử này. Còn Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội Tô Quang Phán cho rằng, báo chí Thủ đô đã vào cuộc ngay từ rất sớm khi thực hiện các Quy tắc ứng xử. Về phía Đài PT-TH Hà Nội, hai bộ Quy tắc được tuyên truyền đồng bộ, lồng ghép và rất cụ thể, gần gũi với cán bộ và người dân thông qua các chuyên mục như: Hà Nội góc nhìn, Hà Nội đẹp và chưa đẹp... “Đặc biệt, báo chí Thủ đô thường xuyên phối hợp với HĐND thành phố bí mật đi kiểm tra ở xã, phường, đặc biệt là cư xử của cán bộ với dân trong công tác hành chính. Tôi cho rằng sự phối hợp trong giám sát của HĐND với báo chí là một cách làm tốt” - ông Tô Quang Phán cho biết.
Đại biểu Duy Hoàng Dương đặt câu hỏi chất vấn tới lãnh đạo Sở Nội vụ |
Ảnh: P.Long
Tăng chế tài xử lý vi phạm
Trả lời làm rõ thêm một số vấn đề, lãnh đạo UBND thành phố cho rằng nguyên nhân khiến ở một số nơi việc thực hiện các quy tắc ứng xử chưa hiệu quả là do công tác tuyên truyền chưa đa dạng, liên tục để người dân nắm được và thực hiện. Để xảy ra tình trạng nêu trên, trách nhiệm này thuộc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan truyền thông và cơ sở để làm sao tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Trong thời gian tới, Hà Nội cần tăng cường tuyên truyền các bộ quy tắc ứng xử bằng nhiều hình thức đa dạng, tần suất liên tục.
Về việc còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất mỹ quan, lãnh đạo UBND thành phố cũng cho rằng nguyên nhân là do công tác tuyên truyền chưa liên tục; chế tài xử phạt chưa triệt để... Vì vậy, thành phố sẽ tăng cường xử lý vi phạm theo quy định trong thời gian tới.
Kết luận phiên chất vấn, chủ tọa phiên chất vấn đánh giá việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử tại Hà Nội thực sự đã có chuyển biến từ trong nhận thức. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền của Hà Nội đến người dân vẫn còn bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế, nhất là ở nơi công cộng, việc thực hiện các bộ quy tắc ứng xử chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Chủ tọa phiên chất vấn đề nghị UBND thành phố trong thời gian tới cần nghiên cứu chế tài xử lý vi phạm, trong đó cần xử lý nghiêm đối với một số hành vi, nhất là những vi phạm ở nơi công cộng; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức sâu rộng, hiệu quả...