Hướng dẫn kỹ hơn những cơ chế đặc thù
Phát biểu tại Hội nghị về thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội do Thường trực Thành ủy tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn - Trưởng ban soạn thảo Nghị định cho biết: Dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 33 điều. Trong đó, đề xuất nhiều nội dung quan trọng như: Biên chế công chức bình quân tại UBND phường là 15 người; UBND thành phố trình HĐND cùng cấp quyết định số biên chế của các phường từng quận, quyết định hoặc phân cấp cho UBND quận quyết định cụ thể số công chức từng phường... Đáng chú ý, theo dự thảo thì Chủ tịch UBND phường không được giữ chức vụ quá 10 năm liên tục ở một đơn vị hành chính.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Hà Nội sớm rà soát đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại các phường hiện nay, trên cơ sở đó tính toán những điều kiện chuyển tiếp hợp lý, hoặc có thể kéo dài thời gian hoàn thiện đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện chuyển tiếp lên 5 năm. "Không nên quy định cứng số lượng 15 biên chế cho cấp phường mà cần căn cứ trên cơ sở tổng biên chế của quận được thành phố phê duyệt, Chủ tịch UBND quận sẽ có phân bổ số lượng hợp lý cho từng phường" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề xuất.
Theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn, chính quyền đô thị tại Hà Nội có những điểm mới như nâng cấp cán bộ cấp phường lên cấp quận, từ đó có sự luân chuyển dễ dàng hơn nhưng phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện. Đồng thời, UBND cấp phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, là cấp thừa hành, có sự chủ động cao hơn; ngoài ra, giao cấp quận thẩm quyền chủ động về phân bổ biên chế cho cấp phường, không cào bằng... Còn Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng dự thảo Nghị định cần rà soát để hướng dẫn kỹ hơn về những cơ chế đặc thù, nhất là về hoạt động của UBND phường, không nên quy định bình quân mỗi phường là 15 biên chế.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng việc xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị là một trọng tâm của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020, do vậy, Hà Nội cần bám sát kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội và dự thảo nghị định của Chính phủ để chủ động cụ thể hóa, sớm triển khai, gắn với Nghị quyết 115 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị |
Ảnh: P.Long
Vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách
Kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá cao và cảm ơn những ý kiến trao đổi, thảo luận, qua đó giúp Hà Nội nhận thức rõ hơn nhiều vấn đề trong quá trình triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn sắp tới. Bí thư Thành ủy cũng đề nghị các cơ quan thành phố tiếp tục bám sát và quán triệt sâu sắc Nghị quyết 97 của Quốc hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai chủ động song song quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Đồng thời giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chủ trì, phối hợp Ban Tổ chức Thành ủy chuẩn bị một bản góp ý chính thức vào dự thảo Nghị định của Chính phủ, trong đó Ban Tổ chức Thành ủy chuẩn bị văn bản để Thành ủy báo cáo Ban Tổ chức Trung ương sớm có hướng dẫn về các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội cấp phường.
"Thời gian từ nay đến thời điểm ban hành Nghị định không còn nhiều, vì vậy, các cơ quan thuộc thành phố phải phối hợp chặt chẽ với ban soạn thảo để sớm “chốt” các vấn đề còn nhiều ý kiến tranh luận" - ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy mong muốn cơ quan soạn thảo Nghị định vận dụng tối đa các cơ chế cho Hà Nội mà không trái với Nghị quyết 97 của Quốc hội. Trong đó, cần quy định cụ thể hơn về phạm vi, đối tượng áp dụng; về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ cấp phường; nếu không cơ cấu trưởng công an phường tham gia UBND phường thì cần quy định rõ về mối quan hệ công tác giữa UBND phường và công an phường; quy định rõ hơn về trách nhiệm giải trình của UBND cấp phường trước HĐND cấp quận và các cơ quan có thẩm quyền...