Kiên quyết quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản
Làm rõ thêm về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi lòng sông, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết Hà Nội đã ban hành các Quyết định về Quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến 2030. Đồng thời, Hà Nội là địa phương thực hiện có hiệu quả các quy định quản lý hoạt động khoáng sản; quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản... Ngoài ra, thành phố đã phê duyệt Đề án thăm dò đánh giá trữ lượng và chất lượng khoáng sản đối với các điểm mỏ cát trên các sông thuộc địa bàn Thủ đô; phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 1...
"Hằng năm, UBND thành phố đều có kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Cơ quan quản lý tại địa phương cũng như Công an thành phố còn thiếu về nhân lực, phương tiện, bến bãi thu giữ tang vật cũng như chế tài xử phạt. Luật định của các ngành liên quan chưa thống nhất" - Chủ tịch UBND thành phố thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý.
Trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ kiên quyết quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định. Cùng với đó, xây dựng phương án sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản trên địa bàn Thủ đô. Đáng chú ý, Hà Nội quyết tâm triển khai có hiệu quả Nghị định số 23/2020/NĐ-CP (ngày 24.2.2020) của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông để kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi theo đúng quy định. Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và khai thác khoáng sản...
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh phát biểu tại kỳ họp |
Ảnh: P.Long
Xây dựng hình ảnh người Hà Nội văn minh, thanh lịch
Đối với việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử, Chủ tịch UBND thành phố đánh giá: Qua hơn 3 năm thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử đã góp phần nâng cao văn hóa ứng xử, trang phục, nền nếp, tác phong, ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức; ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của người dân ở nơi công cộng được nâng lên. “Việc thực hiện các quy tắc ứng xử đã có tác động tích cực trong xây dựng, hình thành chuẩn mực văn hóa, giữ gìn, phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” - Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, bộ quy tắc ứng xử ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa được chấp hành nghiêm túc, thường xuyên. Thậm chí, việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng ở một số nơi còn mang tính hình thức, công tác tuyên truyền chưa được chú trọng. “Trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã siết chặt kỷ cương hành chính; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai; tăng cường công tác tuyên truyền đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất để việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử thực sự đi vào cuộc sống, trở thành nếp sống trong sinh hoạt, công tác hàng ngày của cán bộ, Nhân dân Thủ đô” - ông Chu Ngọc Anh nêu rõ.
Người đứng đầu UBND thành phố cũng nhấn mạnh những nội dung chất vấn tại kỳ họp lần này đều là những yêu cầu mong muốn từ thực tiễn và là ý kiến đóng góp quan trọng để UBND thành phố nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành trong thời gian tới. Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị tập thể UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, ngay sau buổi chất vấn cần tiếp tục kiểm tra tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương mình quản lý; nghiên cứu kỹ những ý kiến góp ý, chất vấn của các vị đại biểu HĐND thành phố. Qua đó đề ra những giải pháp căn cơ, hiệu quả, lên kế hoạch khắc phục kịp thời, đáp ứng sự tin tưởng của các vị đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân đối với chính quyền các cấp, các ngành nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố.