Tư liệu tản mạn, mỗi sách nói một kiểu
- UNESCO ghi danh ca trù còn trong cuốn sách của ông lại là ả đào, lý do nào khiến ông đặt tên cuốn sách như vậy?
- Có thể khẳng định đây là thể loại âm nhạc mang nhiều tên gọi nhất trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam. Ả đào là tên gọi sớm nhất, có từ thời Lý. Trên thế giới có lẽ không thể loại âm nhạc nào lại sử dụng danh từ để chỉ người ca nữ - ả đào, tức đào nương, để đặt tên một thể loại. Nó thể hiện sự tôn vinh vai trò nữ giới.
Tùy vào từng môi trường diễn xướng của thể loại này, người ta sẽ có thêm nhiều tên gọi khác nhau, như: hát cửa đình, hát cửa đền, hát cửa quyền, hát ca công, hát nhà trò… Ở cửa đền ngày xưa có lệ hát thẻ - thẻ làm bằng mảnh tre ghi mức tiền ứng giá trị mỗi thẻ, dùng để thưởng ả đào thay cho tiền mặt, vì thế còn được gọi là ca trù, nghĩa là hát thẻ.
Đến khoảngthế kỷ XIX, người ta bắt đầu đổi tên, “ả đào” là tên chữ Hán, thành tên Nôm là “cô đầu”. Ngày xưa, từ “đầu” thể hiện quan hệ thầy trò mật thiết trong giáo phường. Một đào nương, kép đàn càng dạy nhiều học trò, sau này học trò mỗi lần đi diễn phải trích một phần tiền nhỏ trong suất diễn của mình đóng vào giáo phường để nuôi thầy, gọi là “tiền đầu”. Vì thế, theo sử liệu, những đào nương lão luyện và có nhiều học trò danh giá thì sẽ nhiều "tiền đầu" (chính là "bảo hiểm xã hội" cho đào nương khi về già) và được gọi là cô đầu.
"Tôi là người học đàn dân tộc, nghiên cứu các loại cổ nhạc. Bao giờ tôi cũng học nhạc cụ để hiểu nó và bắt chước được ngón đàn của thầy tôi. Nhưng với nhạc ả đào thì điều này không xảy ra. Về sau này tôi mới hiểu đàn đáy cũng là nhạc cụ quá khó. Nguy hiểm là bây giờ nhiều người say sưa đàn phô mà không biết…".
Nhà nghiên cứu BÙI TRỌNG HIỀN
Đến thế kỷ XX, quan điểm xã hội cho rằng cô đầu gắn với thú ăn chơi trong nhà hát, không phù hợp với xã hội mới, cái tên này dần biến mất. Những người yêu thương vẫn cố gắng nói, viết về nó, nhưng người ta bắt đầu dùng một từ khác là ca trù, tránh dùng từ ả đào, vì sợ liên quan đến cô đầu.
Năm 2009 khi được UNESCO ghi danh, cái tên ca trù trở nên phổ biến. Trong khi đó, ả đào là từ xưa cũ nhất, xuyên suốt cả nghìn năm lịch sử. Tôi lấy tên cổ xưa để mọi người quen dần.
- Thời điểm ông bắt đầu hành trình này, bức tranh nghiên cứu nhạc ả đào ra sao? Ông có điểm tựa từ những công trình trước đây không?
- Tôi từng nghiên cứu nhiều loại cổ nhạc: nhạc tài tử cải lương Nam Bộ, tuồng Bắc, nhạc cung đình Huế, bài chòi, chèo, hát văn… Nhưng khi nghe ả đào, có nhiều thứ tôi không hiểu.
Tư liệu vô cùng tản mạn, nhiều mâu thuẫn, mỗi sách nói một kiểu. Ví dụ về khổ đàn, sách nói có 4 khổ, sách nói có 5 khổ và không có giải thích. Về cung điệu, sách nói ca trù có 5 cung, và mô tả văn học. Khi tôi hỏi nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, cụ bảo "ngày xưa ông tôi dạy có mỗi hai cung Bắc, cung Nam"… Thực trạng ấy dẫn đến việc muốn hiểu về nó, ta hoàn toàn rơi vào hỏa mù!
Còn với nghệ nhân ả đào thì tiếp cận khó vô cùng, vì còn quá ít và các cụ mặc cảm với thời gian bị hắt hủi, quay lưng của xã hội. Bản chất của ả đào cũng là giấu nghề. Cho đến những năm 2000, khi chúng ta xây dựng hồ sơ ca trù thì băng đĩa chỉ có album “Thề non nước” của NSND Quách Thị Hồ.
Trong khi đó, những nghệ nhân nhà nghề cuối cùng, điển hình là các cụ Phó Thị Kim Đức, Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ đều chê đào kép bây giờ đàn hát sai khuôn khổ, không có phách. Vậy thế nào là đúng? Đấy là một sự thách đố.
Đến năm 2014, khi làm giám khảo Liên hoan Ca trù toàn quốc cùng kép đàn lão thành Nguyễn Phú Đẹ, tôi mới bừng tỉnh. Cụ là người cuối cùng có thể giải đáp được mọi câu hỏi của tôi về âm nhạc này. Tôi bắt đầu cuộc lội ngược dòng, tìm cho ra âm luật của ca trù. Đấy là hành trình 9 năm tôi làm từng bước và thực sự là một hành trình khổ ải.
Cuộc chơi âm thanh đỉnh cao của cổ nhân
- Và ông đã sưu tầm được nhiều tư liệu vang quý hiếm?
- Khi biết tôi bắt đầu cuộc điền dã vào tháng 9, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan gọi tôi đến nhà trao toàn bộ tư liệu âm thanh của mình. Tư liệu sống thì chỉ có cụ Nguyễn Phú Đẹ, tôi trực tiếp phỏng vấn. Sau hai ngày thu âm đầu tiên, tôi phát hiện ra là cụ còn nhớ toàn bộ trình thức hát cửa đình của người Việt.
Tôi cũng sưu tầm được những tư liệu lưu trữ ở Pháp, Mỹ, trong đó có bản nhạc thu âm từ giai đoạn 1926 - 1930. Các tư liệu vang rất giá trị, vì đều là bản thu của danh ca, danh cầm. Trên cơ sở đó, tôi nghe và xác định quy luật, theo gợi ý trong tài liệu các cụ dạy để phân định thế nào là đủ, đúng - sai.
- Ả đào đã tồn tại hàng nghìn năm, biến chuyển chức năng, hình thức. Qua nghiên cứu, ông nhận thấy giá trị cốt lõi của loại hình nghệ thuật này là gì?
- Trong “Việt Nam phong tục”, cụ Phan Kế Bính viết rất rõ, những ả đào có thanh, có sắc và có tài ra phố thị mở nhà hát. Ở đây bắt đầu đến câu chuyện cung - cầu của thị trường, là công nghiệp văn hóa từ thời các cụ. Điều đó có thể khẳng định được rằng các nhà hát cô đầu là tinh hoa của nghệ thuật, ở đỉnh chóp của nghệ thuật thì người ta mới kiếm được tiền ở ngoài phố thị Hà Nội. Năm 1940 có tới 2.000 cô đầu hoạt động trên địa bàn Hà Nội với hơn 200 nhà hát ở khắp thành phố.
Về giá trị kinh điển, không thể biết được ả đào thời Lý, thời Lê gồm những gì, nhưng cho đến ngày hôm nay đọng lại ở tinh hoa của các đào kép, cô đầu và hát cửa đình cụ Nguyễn Phú Đẹ đã dạy. Qua đó, có thể khẳng định được giá trị cổ điển của ca trù, mạch ngầm chảy suốt qua thời gian như “xương sống” của thể loại. Một trong những giá trị cổ điển đó chính là khuôn thước tiết tấu.
Các loại nhạc khác người ta truyền dạy, nhận thức tác phẩm và bắt chước, lưu truyền rất dễ, nhưng với ả đào thì khác. Nếu như chèo, quan họ là cấu trúc ca khúc dân gian; tài tử, cải lương, tuồng, nhạc cung đình Huế là cấu trúc lòng bản; hát văn là cấu trúc làn điệu; thì ả đào tôi gọi là cấu trúc lắp ghép, nó không khác gì những mảng miếng lego. Thực sự đây là một cuộc chơi âm thanh đỉnh cao của cổ nhân.
Có lẽ vì tư duy cấu trúc âm nhạc như thế nên người không có nghề không hiểu được. Người học nghề biết được khổ đàn, khổ phách chính xác thì mới nắm bắt, đánh được trống chầu. Tầng lớp bình dân chỉ nghe giai điệu, còn tầng lớp cao gọi là quan viên biết thưởng thức khổ đàn, khổ phách, nhận biết được thế nào là đúng - sai, thừa - thiếu. Tất cả những giá trị cổ điển đó may mắn còn lại cho đến ngày nay, đấy là một sự kỳ vĩ mà tiền nhân để lại.
- Mong muốn của ông sau nghiên cứu này?
- Tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ mở ra một cách tiếp cận mới cho đào nương, kép đàn hiện nay. Ngoài việc học nhạc, tập luyện, họ có thể đọc sách để tìm hiểu được khuôn thước chính xác của cha ông, và tự hiệu chỉnh để quay trở về đúng chuẩn mực cổ điển của ả đào.
- Xin cảm ơn ông