Nhận biết dấu hiệu trầm cảm sau đột quỵ
Theo bác sĩ Khoa Đột quỵ não, Viện Thần kinh - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đột quỵ não hiện nay đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam cũng như gây ra hàng loạt di chứng nặng nề tới người sống sót.
Những tác động âm thầm của trầm cảm sau đột quỵ khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi và quay trở lại đời sống sinh hoạt sau này. Nguy hiểm hơn, trầm cảm sau đột quỵ ít được chú ý đến, bệnh còn được mệnh danh là “kẻ thù trong bóng tối”.
Do vậy, việc hiểu về căn bệnh như những cách chăm sóc, điều trị là con đường tốt nhất để đảm bảo việc phục hồi sức khoẻ thể chất, tinh thần, nâng cao chất lượng đời sống cho người bệnh sau đột quỵ.
Sau đột quỵ, cơ thể và tâm trí người bệnh có những thay đổi lớn, thể chất và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày có thể bị hạn chế, điều này gây ra sự bất mãn và khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống mới. Di chứng đột quỵ khiến 30% người bệnh dễ gặp phải trầm cảm và thời điểm mắc trầm cảm chiếm tỉ lệ cao nhất là 3 tháng sau khi bị đột quỵ.
Về trầm cảm, đây là một căn bệnh tâm lý nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến tư duy, cảm xúc và hành vi của một người. Những triệu chứng thông thường bao gồm: Cảm giác buồn bã, mất hứng thú và không có niềm vui trong cuộc sống; Mất ngủ hoặc ngủ nhiều hơn thường lệ;
Mất năng lượng, mệt mỏi và suy giảm khả năng tập trung vào công việc hàng ngày; Cảm thấy giá trị bản thân thấp, tự ti và có suy nghĩ tiêu cực về tương lai; Mất quan tâm đến hoạt động xã hội và mối quan hệ xã hội; Có suy nghĩ tự tử hoặc tự tử.
Những cách điều trị trầm cảm sau đột quỵ
Theo bác sĩ Khoa Đột quỵ não, Viện Thần kinh - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, người bệnh và những người xung quanh có thể lưu ý thực hiện một số hoạt động sau để cải thiện sức khỏe tinh thần sau đột quỵ như sau:
Khám tư vấn và điều trị từ bác sỹ chuyên khoa thần kinh-đột quỵ
Đầu tiên và quan trọng nhất, người bệnh hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế như bác sĩ điều trị bệnh đột quỵ của mình kết hợp cùng bác sỹ tâm lý. Bác sĩ sẽ giúp người bệnh đánh giá mức độ nghiêm trọng và tình trạng bệnh, sau đó sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Sử dụng phương pháp điều trị đa chiều
Điều trị trầm cảm sau đột quỵ thường yêu cầu sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau, ngoài việc sử dụng thuốc, các phương pháp như tâm lý trị liệu, tập thể dục và thay đổi lối sống có thể giúp cải thiện tâm trạng và chất lượng cuộc sống.
Tham gia vào nhóm hỗ trợ
Gia nhập một nhóm hỗ trợ dành cho những người sau đột quỵ và trầm cảm có thể mang lại lợi ích lớn. Đây là nơi người bệnh có thể chia sẻ cảm xúc, nhận sự động viên và học hỏi từ người khác cũng đang trải qua tình trạng tương tự.
Xây dựng một lịch trình hàng ngày có ý nghĩa
Đặt ra những mục tiêu nhỏ và tạo ra một lịch trình hàng ngày có ý nghĩa, điều này giúp bạn tập trung vào những hoạt động tích cực và tạo cảm giác tự trị, từ đó giúp cải thiện tâm trạng và tăng cường sức khỏe tâm lý.
Hỗ trợ từ gia đình và bạn bè
Người bệnh hãy chia sẻ tình trạng của bản thân với gia đình và bạn bè thân thiết. Sự hiểu biết và hỗ trợ từ những người thân yêu sẽ giúp người bệnh cảm thấy không cô đơn và tạo ra một môi trường thoải mái để phục hồi.