Tăng cường dịp cuối năm
Theo thông lệ, cuối năm và Tết nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, nhiều đối tượng đã lợi dụng đưa hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền, hàng kém chất lượng như: thuốc lá, quần áo, rượu ngoại, pháo nổ, bánh kẹo, mỹ phẩm,... vào tiêu thụ.

Cùng đó, trong thời kỳ công nghệ số, hoạt động thương mại, kinh doanh trực tuyến phát triển, phát sinh nhiều hành vi vi phạm mới, khiến công tác quản lý thị trường càng thêm phức tạp. Bởi vậy, lực lượng Quản lý thị trường Lạng Sơn đã tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường hàng hóa, siết chặt công tác quản lý địa bàn, triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh chân chính.
Nhằm thực hiện Kế hoạch số 1117/KH-TCQLTT ngày 18.11.2022 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm, dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Quý Mão 2023. Các Đội trực thuộc Cục đã đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, giúp nâng cao nhận thức về pháp luật, để phòng ngừa vi phạm hơn là phải kiểm tra, phát hiện và xử lý. Cụ thể, ngày 22.12.2022, Đội Quản lý thị trường số 2 chủ trì, phối hợp với Công an thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với các cơ sở kinh doanh các mặt hàng thực phẩm bao gói sẵn sản xuất ngoài Việt Nam trên địa bàn thị trấn.
Nội dung tuyên truyền đối với các hộ kinh doanh nhóm thực phẩm bao gói sẵn phục vụ dịp Tết bao gồm: Kinh doanh hàng hoá sản xuất ngoài Việt Nam phải có hóa đơn, có chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, có nhãn gốc và nhãn phụ theo quy định; hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm, công bố chất lượng ghi trên nhãn, niêm yết giá, bán theo giá,… Kết quả, qua công tác tuyên truyền, đã giúp hộ kinh doanh và người tiêu dùng đã nâng cao nhận thức, nhất là các cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Đến nay, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, ký cam kết với 15 cở sở kinh doanh không có hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hóa phải đảm bảo an toàn thực phẩm...
Hiệu quả khi kiểm tra, xử lý
Về tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới trong năm 2022 giảm rõ rệt; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra chủ yếu tại cửa khẩu Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh, Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng. Sau đợt cao điểm dịch Covid - 19 từ đầu Quý 1, hoạt động kinh doanh hàng hóa và dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn dần sôi động trở lại, đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm xăng dầu diễn ra tại một số địa bàn, nhất là các cửa hàng xăng dầu thuộc các doanh nghiệp tư nhân trong thời điểm cuối Quý III, đầu Quý IV/2022 do nguồn cung từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối khan hiếm, bị gián đoạn hoặc không kịp cung ứng hàng. Đến đầu tháng 12, thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cơ bản ổn định.
Nhìn lại năm 2022, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn kiểm tra được 941 vụ/tổng số 4.842 vụ (chiếm 19,43%); tổng số tiền xử lý vi phạm chính là trên 23 tỷ đồng (chiếm 20,28 %). Về kiểm tra mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng được 17 vụ, phát hiện 7 vụ vi phạm với số tiền xử phạt là 100 triệu đồng; kiểm tra, xử lý hàng hóa qua thương mại điện tử được 93 vụ việc; xử phạt hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả với số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 683,500 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm là 841,121 triệu đồng…

Để thực hiện tốt công tác kiểm soát thị trường, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Lạng Sơn đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngành liên quan. Bên cạnh đó, chỉ đạo các lực lượng chức năng nghiêm túc tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo năng lực thông quan, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa; đi đôi với đề cao phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cửa khẩu. Cục đã ban hành 9 kế hoạch và các văn bản chỉ đạo về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên Đán; triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Lực lượng Quản lý thị trường Lạng Sơn còn tập trung xây dựng các phương án tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới. Điều này để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa; kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa, sàn giao dịch thương mại điện tử, mua bán qua mạng. Cục tập trung vào hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng có thuế suất cao, hàng cấm, hàng giả, hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên Đán như pháo nổ, thuốc lá, xăng dầu, khoáng sản, kim khí quý, ngoại tệ, hàng điện tử, thời trang cao cấp, thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…. Cục đã chủ trì thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành triển khai nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các lực lượng….tổ chức đấu tranh hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.
Năm 2023 cận kề, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn hướng tới chủ động đánh giá lại thực trạng và những vấn đề nổi cộm, phức tạp về đối tượng, tuyến, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, phương thức thủ đoạn mới về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm kịp thời tham mưu, đề xuất, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai nhiệm vụ. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tăng cường phối kết hợp chia sẻ thông tin giữa các lực lượng, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân theo đúng quy định.