Tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt
Tại tọa đàm “Nếp áo thanh xuân” sáng 7.6, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho biết, bà có nhiều kỷ niệm đối với tà áo dài, đặc biệt là thời là thành viên đoàn Việt Nam dự các cuộc họp Đại hội đồng UNESCO xét các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới.
“Mỗi lần bảo vệ di sản của Việt Nam trước Đại hội đồng UNESCO, tôi lại mặc một bộ áo dài có thương hiệu trong nước. Chỉ sau một phút, hình ảnh đoàn Việt Nam trong đó có tôi với chiếc áo dài được các ống kính quay đến, quảng bá khắp năm châu bốn biển. Điều đó khiến tôi rất tự hào nhưng cũng không ít áp lực, là phải làm sao giữ được phong thái để mang trang phục này đẹp hơn”, TS. Đặng Thị Bích Liên cho hay.
Cũng theo TS. Đặng Thị Bích Liên, áo dài từ lâu đã trở thành trang phục không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của đất nước. Áo dài không đơn thuần là một loại trang phục mà còn chứa đựng bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Qua nhiều thời kỳ phát triển, tà áo dài không ngừng biến đổi nhưng vẫn bảo đảm tính truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của phụ nữ Việt.
Nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, GS. TS. Từ Thị Loan thì khẳng định, áo dài xứng đáng là di sản, quốc hồn, quốc túy của văn hóa dân tộc. Chiếc áo dài có hàng nghìn năm hình thành, phát triển, với những kết quả nghiên cứu hình ảnh trên trống đồng Đông Sơn, trong tranh dân gian Đông Hồ…
“Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, áo dài Việt Nam ra đời trước sườn xám, sánh ngang kimono, hanbok, kiêu hãnh trên các sàn đấu nhan sắc thế giới. Hình ảnh tà áo dài là nguồn cảm hứng, vừa là sản phẩm sáng tạo, liên kết với các ngành thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch văn hóa; góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong cuộc sống đương đại”, GS. TS. Từ Thị Loan nhấn mạnh.
Để áo dài lan tỏa và phát triển
Để hình ảnh áo dài lan tỏa và phát triển hơn nữa, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần xác định các tiêu chí kiểu dáng, chất liệu, điểm khác biệt, đặc trưng, bản sắc của tà áo dài Việt Nam so với các trang phục khác. Theo TS. Đặng Thị Bích Liên, khi nhìn nhận rõ các tiêu chí này, chúng ta sẽ quảng bá được nhiều sản phẩm (liên quan đến tà áo dài) của người Việt. Cũng qua đây, chúng ta kết nối, phát triển các vùng nguyên liệu tự nhiên đặc thù, như tơ tằm, lụa, gai, lanh… cho nghề may áo dài. Điều đó kích thích tăng trưởng kinh tế vùng, góp phần làm giàu cho làng nghề, cho địa phương, kéo theo sự tăng trưởng của ngành du lịch (trong đó có du lịch văn hóa), tạo điều kiện tốt cho sản phẩm áo dài trong ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển.
Để từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu áo dài, đưa áo dài trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch đặc sắc, TS. Đặng Thị Bích Liên cho biết, cần có nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, tôn vinh và phổ cập áo dài trong đời sống, trước mắt là đưa vào trường học, trở thành đồng phục cho học sinh. Bên cạnh đó, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng bằng việc lồng ghép nhiều hơn ở các sự kiện quảng bá du lịch, thể thao, thời trang, thiết kế, âm nhạc, thi ca…
Huế đang là địa phương đi đầu trong việc đưa lan tỏa hình ảnh áo dài. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” (2023) và đang hoàn thiện hồ sơ “Nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế” để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa di sản này vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, sau đó tiếp tục đề nghị Bộ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ “Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài Huế” trình UNESCO xem xét, ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong bối cảnh đó, GS. TS. Từ Thị Loan cho rằng, “cần nghiên cứu, tổ chức các hội thảo khoa học, số hóa các tư liệu liên quan, xây dựng hồ sơ về áo dài với tư cách là một di sản. Mặt khác, cũng cần có chính sách phù hợp huy động nguồn lực xã hội hóa và phát huy sức mạnh của cộng đồng để có nhiều sản phẩm áo dài phong phú mang hơi thở đương đại, để áo dài không chỉ là hình ảnh, là bản sắc văn hóa mà còn là một sản phẩm du lịch đặc trưng”.