Với sự hỗ trợ của Đoàn chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa thực hiện thành công ca cấy ghép thận cho người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối. Đây cũng là trường hợp ghép thận thành công đầu tiên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thông tin từ bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, cách đây 6 năm, bệnh nhân V.D.K (nam, 34 tuổi, địa chỉ ở Bến Tre) thấy mờ mắt nên đi khám được chẩn đoán tăng huyết áp, suy thận mạn được điều trị nội khoa. Đến năm 2022, bệnh nhân thấy phù, khó thở, khi nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối và chỉ định lọc máu cấp cứu, đồng thời tiến hành thẩm phân phúc mạc.
Khi biết được thông tin Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người hiến sống và từ người hiến chết não, bệnh nhân đã tự nguyện đăng ký chờ ghép thận. Sau đó, qua tư vấn của các bác sĩ tư, bệnh nhân và gia đình đã đồng ý thực hiện phẫu thuật ghép thận từ người hiến là anh trai ruột của bệnh nhân.
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, BS.CKII Phạm Thanh Phong cho biết: Trải qua quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt về cơ sở pháp lý, đội ngũ chuyên môn, cơ sở vật chất cho đến trang thiết bị, ngày 25.4.2024 bệnh viện đã thực hiện ca ghép thận đầu tiên với sự hỗ trợ của Đoàn chuyên gia bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Hơn 20 bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện bao gồm các ê-kíp lấy thận, ê-kíp rửa thận, ê-kíp ghép thận đã phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ với sự hỗ trợ trực tiếp của Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS, BS Thái Minh Sâm và ê-kip của Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau 5 giờ phẫu thuật, ca ghép nối thận thành công trong sự mừng vui vỡ òa của cả ê- kíp hai bệnh viện. Sau ca ghép thận, tình trạng sức khỏe cả người hiến và người nhận ổn định được chuyển khu chăm sóc đặc biệt theo dõi.
Đến nay, sau 2 tuần tiến hành phẫu thuật lấy thận, người hiến thận cho bệnh nhân đã bình phục và trở lại cuộc sống bình thường. Bệnh nhân cũng đã hồi phục sức khỏe, các chỉ số cận lâm sàng ổn định và tiến triển thuận lợi, các chức năng thận của bệnh nhân đã phục hồi gần như bình thường.
BS.CKII Phạm Thanh Phong cho biết, ghép thận cho người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối từ người hiến sống cùng huyết thống và từ người hiến chết não là kế hoạch ấp ủ của bệnh viện từ nhiều năm trước, thành công của ca ghép thận trên đánh dấu cột mốc đặc biệt quan trọng trong công tác phát triển chuyên môn tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bởi phẫu thuật ghép thận là kỹ thuật đặc biệt, chỉ được thực hiện ở các trung tâm y tế lớn trên cả nước, đòi hỏi chuyên môn và kỹ thuật cao.
Để triển khai được kỹ thuật này, đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của rất nhiều chuyên khoa: Nội Thận - Thận nhân tạo, Ngoại Thận - Tiết niệu, Gây mê hồi sức, phẫu thuật mạch máu cùng hệ thống cận lâm sàng hỗ trợ: Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh…
Để đáp ứng các yêu cầu cho một trung tâm ghép thận được thành lập theo quy định của Bộ Y tế, bệnh viện đã từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư các trang thiết bị, máy móc, đào tạo đội ngũ chuyên khoa từ bác sĩ đến điều dưỡng.
Về nhân sự, bệnh viện đã đào tạo cho 18 bác sĩ, 21 điều dưỡng, kỹ thuật viên từ ngoại khoa đến nội khoa, gây mê hồi sức, theo dõi chăm sóc và điều trị bệnh sau ghép.
Ngày 31.1.2024, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ chính thức được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người hiến sống và từ người hiến chết não.
Sau ca ghép thận đầu tiên thành công tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, hiện có thêm 3 cặp hiến- nhận thận khác đã đăng ký thực hiện các quy trình để hiến thận và ghép thận tại bệnh viện.
Việc ghép thận thành công tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ có ý nghĩa hết sức lớn lao với đội ngũ thầy thuốc và người dân trong khu vực. Điều này không chỉ giúp giảm tải cho các bệnh viện, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nhiều bệnh nhân, mà còn giúp người dân trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm được rất nhiều chi phí và sự khó nhọc khi phải đi xa để thực hiện ghép thận.