Tại hội nghị, đa số chuyên gia đánh giá cao dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), với 9 chương, 101 điều, tăng 3 chương, 22 điều so với Luật hiện hành. Dự thảo Luật thể hiện trách nhiệm, nghiêm túc, cố gắng của ban soạn thảo.
Các ý kiến tập trung phản biện về những quy định liên quan đến quyền con người trong dự thảo Luật, như quyền hưởng thụ, tiếp cận và sử dụng các di sản văn hóa; quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa của tổ chức, cá nhân...
Cùng với đó là quy định về các loại hình di sản văn hóa vật thể; việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa do Nhà nước quản lý; di sản văn hóa do tư nhân quản lý. Cụ thể, dự thảo Luật định nghĩa "di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở Việt Nam".
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đức, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiểu và quy định đối tượng và phạm vi điều chỉnh như vậy chưa đầy đủ và chuẩn xác. Việc coi di sản văn hóa là một loại tài sản, sản phẩm là đúng nhưng chia thành 3 loại, nhất là tách di sản tư liệu thành một loại di sản riêng là chưa đúng, vì di sản tư liệu thực chất cũng là di sản vật thể.
Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP. Hà Nội Trương Minh Tiến đặt vấn đề: di sản văn hóa cũng là tài sản, được xác lập quyền sở hữu và có người đại diện quyền sở hữu. Riêng hình thức sở hữu toàn dân về di sản văn hóa, nhất là về di tích (đình, chùa, miếu...) là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân ở các làng, thôn hiện chưa xác định rõ người đại diện. Vì vậy sửa đổi Luật lần này phải quy định rõ người đại diện sở hữu.
Còn theo ý kiến của GS. TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nội dung dự thảo Luật nặng quy định về hoạt động quản lý, bảo vệ di sản văn hóa của các chủ thể sở hữu di sản văn hóa, nhất là của chủ sở hữu di sản văn hóa là Nhà nước, còn nội dung phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được quy định rõ.
Trong khi đó, thực tế nhiều quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển đã làm rất tốt việc khai thác, chuyển hóa giá trị di sản thành sản phẩm thương mại mang đậm bản sắc dân tộc, không chỉ phục vụ quyền được hưởng thụ của người dân trong nước mà còn đưa thương hiệu quốc gia ra thế giới. Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam hướng tới phát triển nền công nghiệp văn hóa thì việc khuyến khích làm sống lại và phát huy giá trị di sản văn hóa cần được quy định đầy đủ, rõ ràng, minh bạch trong dự thảo Luật này.
Ngoài ra, theo GS.TS Trần Ngọc Đường, việc bắt tay giữa di sản văn hóa và công nghệ đang thúc đẩy sự hình thành các khái niệm mới về di sản số, di sản phái sinh… nhưng chưa được luật hóa để hình thành chính sách phù hợp, khuyến khích phát triển các sản phẩm số dựa trên di sản.
TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, góp ý tập trung vào một số điểm mới trong dự thảo Luật, trong đó có quy định sử dụng, khai thác di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động lấy một phần nội dung, hình ảnh, thông tin của di sản để tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, trình diễn, diễn giải, sáng tạo công nghiệp văn hóa phục vụ phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội. TS. Lê Thị Minh Lý cho rằng vấn đề này cần được thể hiện rõ hơn. Việc lấy một phần có phản ánh đúng với di sản, có vi phạm quyền của chủ thể không, ai là người quyết định lấy một phần và sử dụng nó?…
"Hoặc vấn đề sử dụng, khai thác di sản văn hóa như một hình thức biểu diễn nghệ thuật, hợp tác công - tư trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng cần được cân nhắc, quy định rõ trong Luật, bởi khi đi vào thực tế sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị lạm dụng, làm sai giá trị di sản", TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.