Nâng tuổi về hưu với cấp tướng lên 62 để tạo tính đồng bộ
Thảo luận tại Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và các tỉnh: Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu) chiều 28.10, các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đối với dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Theo các đại biểu, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn sửa đổi Luật đã được thể hiện rất đầy đủ trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là quy định tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan. Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm gồm: cấp úy từ 46 lên 50 tuổi; thiếu tá từ 48 lên 52 tuổi; trung tá từ 51 lên 54 tuổi; thượng tá từ 54 lên 56 tuổi; đại tá nam từ 57 lên 58 tuổi và nữ từ 55 lên 58 tuổi; cấp tướng nam 60 giữ nguyên, nữ từ 55 lên 60 tuổi (tuổi của nữ sĩ quan bằng nam sĩ quan).
“Quy định này để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng chính quy tinh nhuệ, hiện đại và trước tác động của các yếu tố an ninh truyền thống, phi truyền thống cần phải giữ gìn đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe. Việc điều chỉnh nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ để sĩ quan có nhiều thời gian phục vụ quân đội, nhất là số cán bộ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đào tạo chuyên sâu, đặc thù; đồng thời giảm áp lực đào tạo cán bộ nhưng phải phù hợp tính chất, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức, biên chế của Quân đội”, đại biểu Ma Thị Thúy nhận xét.
Cũng theo đại biểu, Luật Bảo hiểm xã hội quy định, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%; nếu không nâng độ tuổi cho sĩ quan, nhất là cấp trung tá trở xuống thì hầu hết khi nghỉ hưu sĩ quan không đủ điều kiện để hưởng 75% lương.
"Vì vậy, nâng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan vừa để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, vừa là thể hiện chính sách ưu việt, làm cơ sở để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực phục vụ quân đội".
Đồng tình, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, so với Bộ luật Lao động và Luật Công an nhân dân (sửa đổi), hiện, sĩ quan cấp thiếu tá và trung tá trong lực lượng quân đội nghỉ hưu sớm hơn, lần lượt là 48 tuổi và 51 tuổi; trong khi đó, theo Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động là nam phải đóng bảo hiểm đủ 35 năm mới được hưởng 75% lương hưu, như vậy họ sẽ không thể đủ 35 năm đóng bảo hiểm.
Chưa kể, lao động của quân đội mang tính đặc thù, chủ yếu ở đơn vị, ở vùng hải đảo, biên giới, ít khi được về nhà. Vì thế, sĩ quan trong lực lượng quân đội về hưu sớm, lương thấp là một sự thiệt thòi. Bởi lẽ đó, dự thảo Luật điều chỉnh tuổi về hưu với cấp thiếu tá lên 52, cấp trung tá lên 54 là rất hợp lý.
Dù vậy, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị, cần đánh giá, phân tích và làm rõ thêm về việc thực hiện chế độ, chính sách, bảo hiểm xã hội sau khi tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, tác động về sức khỏe khi hoạt động trong môi trường lao động đặc thù; đồng thời đề nghị quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất phù hợp với tính chất, vị trí, môi trường địa bàn công tác, nhiệm vụ trong QĐND để bảo đảm điều kiện sức khỏe của sĩ quan.
Chia sẻ với các ý kiến trên, ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) bổ sung, theo dự thảo Luật, hạn tuổi cao nhất của cấp tướng là 60 tuổi, trong khi Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Bộ luật Lao động là 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ. “Vậy tại sao quân đội chỉ cho nam và nữ ở tuổi 60?”, đặt vấn đề này, đại biểu đồng thời đề nghị cân nhắc để bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Lý giải rõ hơn cho đề xuất này, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, để lên được cấp tướng phải trải qua quá trình thử thách, đào tạo, rèn luyện, do vậy cần có sự động viên, khuyến khích để sĩ quan QĐND tiếp tục tham gia công tác, vì đều là những người có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Minh Quang (Hải Phòng), lực lượng quân đội có những đặc thù so với lực lượng công an. Chẳng hạn, ở cấp trung đoàn, hành quân một buổi tối có thể đi 25 – 30km, sĩ quan ngoài 40 tuổi sẽ khó có sức khỏe để vác ba lô hành quân như với bộ đội 18 tuổi. Bởi lẽ đó, quy định về độ tuổi trong quân đội có sự chưa tương đồng với sĩ quan công an, nhất là với cấp tướng, để bảo đảm cho chức danh sĩ quan quân đội có sức khỏe tốt.
Bổ sung chế độ đối với sĩ quan biệt phái khi kết thúc nhiệm vụ
Dẫn chiếu khoản 7, Điều 31, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam năm 2014, đại biểu Ma Thị Thúy cho biết, sĩ quan tại ngũ “được hưởng phụ cấp nhà ở; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể nào về chế độ phụ cấp nhà ở đối với sĩ quan.
Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể mức hưởng về phụ cấp nhà ở, hỗ trợ về nhà ở, bảo đảm nhà công vụ theo từng đối tượng đối với lực lượng vũ trang QĐND.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Ma Thị Thúy, cần xem xét bổ sung chế độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái. Cần xem xét, bố trí chức vụ cho các sĩ quan này tương đương chức vụ biệt phái; được giữ nguyên quyền lợi của chức vụ biệt phái; khi nghỉ hưu được hưởng chế độ theo cấp bậc, chức vụ biệt phái, bảo đảm chính sách theo chức vụ cao nhất trước khi nghỉ hưu như quy định đối với sĩ quan Công an nhân dân biệt phái.
Nhấn mạnh dự thảo Luật có nhiều điểm mới rất tích cực, các đại biểu đề nghị hiệu lực thi hành của Luật nên áp dụng ngay khi Quốc hội bấm nút thông qua, nhằm khuyến khích, động viên lực lượng sĩ quan quân đội, trong đó sẽ có một số lượng không nhỏ sĩ quan có cơ hội được hưởng 75% lương hưu.