Tạo đồng thuận cao trong xã hội
Thông báo hoạt động của MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2023, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh nhấn mạnh: MTTQ Việt Nam tỉnh đã đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp. Trọng tâm là tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, tạo đồng thuận cao trong xã hội; đổi mới cách thức lắng nghe, tiếp thu ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri và Nhân dân trên tất cả các kênh, nhất là phát huy hiệu quả trên trang Fanpage Mặt trận Nghệ An với gần 113.000 người theo dõi - trang cộng đồng có số theo dõi lớn nhất trong hệ thống MTTQ cả nước.
Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh cũng tiếp tục triển khai thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; triển khai Chỉ thị 21 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo tại tỉnh Nghệ An, sau gần 5 tháng phát động, đã có 141 đơn vị đăng ký ủng hộ hỗ trợ 11.983 căn nhà cho người nghèo, với tổng số tiền đăng ký hơn 611 tỷ đồng; trong đó có 2.995 hộ nghèo được vào nhà ở mới.
“Về giám sát, phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổng hợp hơn 1.900 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân phản ánh cho cấp ủy, chính quyền các cấp xem xét, giải quyết; tổ chức 504 hội nghị lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 9.417 lượt ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thị Minh Sinh cho biết.
Nhiều băn khoăn, lo lắng
Bên cạnh đánh giá về sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, vào cuộc của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng nêu nhiều tâm tư và những băn khoăn, lo lắng của cử tri và Nhân dân như: khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh; vướng mắc trong thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy chậm được tháo gỡ; giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp và chi phí dịch vụ cao; cùng với đó, tình hình nắng nóng và khô hạn kéo dài, diễn ra trên phạm vi rộng, việc cắt điện liên tục, luân phiên diễn ra tại nhiều địa phương… đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, cử tri và Nhân dân cũng bày tỏ lo lắng một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng; công tác quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra; công tác cung ứng thuốc, vật tư y tế; việc phối hợp tổ chức khám chữa bệnh BHYT vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến nhu cầu và quyền lợi khám, chữa bệnh của Nhân dân… Bên cạnh đó, cử tri cũng băn khoăn về giá sách giáo khoa tăng, chương trình học quá tải làm cho các cháu không có thời gian vui chơi, giải trí phát triển thể chất; công tác phòng, chống bạo lực học đường, phòng chống đuối nước trẻ em và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh còn bất cập.
Cử tri cho rằng, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn bất cập; việc quy hoạch và thu hút các dự án nhà máy, công nghệ xử lý chất thải rắn trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại địa phương; vấn đề thu gom chất thải rắn tại nhiều điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, dịch vụ còn gây ô nhiễm môi trường cục bộ, ảnh hưởng đến mỹ quan. Việc cấp, đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nhiều địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân vẫn còn nhiều lo lắng khi các loại tội phạm có nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới và hết sức tinh vi, sử dụng công nghệ cao để phạm tội; tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, mạng xã hội, phần mềm trực tuyến, hoạt động “tín dụng đen”…; tình trạng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, phát tán hình ảnh, phát ngôn thiếu văn hóa, nói xấu, xuyên tạc các hoạt động của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị chưa được kiểm soát chặt chẽ... làm ảnh hưởng đến tư tưởng của lớp trẻ và Nhân dân nói chung.
Không những thế, công tác cải cách hành chính còn nhiều “điểm nghẽn”, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm, nhất là vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết công việc đối với doanh nghiệp và người dân ở một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, cá biệt đã có một số trường hợp bị kỷ luật, khởi tố, xử lý hình sự, ….; làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh và niềm tin của Nhân dân.
Đề nghị có phương án xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng
Thông qua hoạt động giám sát và lắng nghe, tập hợp ý kiến Nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thị Minh Sinh kiến nghị HĐND, UBND tỉnh quan tâm 5 nhóm vấn đề:
Thứ nhất, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị với Trung ương có phương án xử lý dứt điểm đối với các tồn tại, vướng mắc của Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ giao đất tái định cư cho hộ dân và có giải pháp trong việc tái lấn chiếm đất đã thu hồi thực hiện dự án để trồng cây lâu năm, xây dựng công trình thủy lợi.
Thứ hai, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và Công ty Cổ phần Phát triển điện lực Việt Nam (chủ đầu tư) sớm giải quyết tồn tại, vướng mắc của Dự án thủy điện Khe Bố liên quan đến hạng mục phải điều chỉnh tổng thể hợp phần bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư để đảm bảo quyền lợi cho hộ dân bị ảnh hưởng.
Thứ ba, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam và các sở, ngành liên quan sớm tham mưu làm rõ chủ trương di dời các hộ dân xóm 9, Nghi Xá ra khỏi khu công nghiệp Nam Cấm nhằm tránh tác động môi trường để người dân yên tâm xây dựng, cơi nới nhà cửa, tách thửa… bảo đảm quyền lợi của người dân; đồng thời, giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân (nước thải, tiếng ồn, ách tắc dòng chảy, nứt nẻ nhà dân, đường dân sinh…) liên quan đến thi công các công trình tuyến đường N5 giai đoạn 2, mở rộng, nâng cấp tuyến đường giao thông 536 và đường Quốc lộ 1.
Thứ tư, đề nghị UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế xem xét, có giải pháp thỏa đáng, đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách giữa viên chức y tế và viên chức dân số, liên quan đến thực hiện Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15.2.2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4.7.2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.
Thứ năm, để góp phần tuyên truyền phổ biến Luật Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2023, nâng cao năng lực Ban giám sát đầu tư cộng đồng toàn tỉnh; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Hội thi Ban giám sát đầu tư của cộng đồng giỏi toàn tỉnh năm 2023, để Hội thi được triển khai đồng bộ, rộng khắp, thiết thực, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành, thị quan tâm phối hợp, bảo đảm các điều kiện để MTTQ Việt Nam các cấp triển khai, tổ chức thành công Hội thi.