Báo cáo kết quả thực hiện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh U Minh Nam cho biết: thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan, đến nay Ban Dân tộc đã kịp thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản để triển khai thực hiện Chương trình. Tổng kinh phí Ngân sách Trung ương phân bổ năm 2022: 471.305 triệu đồng (Vốn đầu tư phát triển 323.925 triệu đồng; Vốn sự nghiệp 147.380 triệu đồng).
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn còn thấp, đạt 3,49% so với kế hoạch. Trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Kon Tum, còn có một số khó khăn, vướng mắc như: trung ương chưa có quy định về kinh phí và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương đối với 6 nội dung: hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cứng hoá đường đến trung tâm xã; xây dựng cải tại, nâng cấp mạng lưới chợ tại Thông tư 02/2022/TT-UBDT ngày 30.6.2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương chậm và mức kinh phí phân bổ chưa đáp ứng yêu cầu theo tiến độ; công tác tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể hóa chính sách, quy định của Trung ương liên quan đến việc triển khai thực hiện Chương trình theo quy định của Trung ương của một số cơ quan được giao chủ trì cấp tỉnh vẫn còn chậm; công tác phối hợp chưa kịp thời; Một số huyện còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình
Từ kết quả sát thực tế tại các xã Đăk Long (huyện Đăk Glei), Măng Cành (huyện Kon Plông) và làm việc với UBND các huyện về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh Hồ Văn Đà đánh giá cao việc chủ động của các sở, ngành trong việc tham mưu ban hành các văn bản và hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình. Đồng thời cho rằng: Đối với Chương trình 1719 là Chương trình mới ban hành và thực hiện lần đầu tiên, có nhiều quy định, chính sách mới nên việc tiếp cận, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện từ Trung ương đến cơ sở gặp khó khăn có nhiều dự án, tiểu dự án thành phần; nhiều ngành quản lý; địa bàn, đối tượng rộng; chính sách cơ chế thực hiện khác nhau. Trung ương, tỉnh giao kế hoạch vốn năm 2022 thời điểm gần cuối năm 2022 và khá lớn, một số nội dung dự án hỗ trợ sản xuất hết thời vụ, triển khai các dự án đầu tư vào mùa mưa bảo gặp khó khăn, nên khả năng giải ngân kế hoạch vốn gặp khó khăn.
Một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc nhóm ngành nông nghiệp (mô hình sản xuất, chuỗi giá trị), lâm nghiệp (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, giao khoán bảo vệ rừng..), đào tạo nghề, đạo tạo đại học tại các huyện phân bổ có nội dung chưa phù hợp, chưa đảm bảo chức năng quản lý nhà nước giữa huyện và tỉnh, triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc...
Do đó, đề nghị trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, Ban Dân tộc kịp thời phối hợp với UBND các huyện, các sở, ngành có liên quan tổng hợp, hoàn thiện nội dung báo cáo gửi Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh để xem xét kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết và đề nghị tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Góp phần thực hiện có hiệu quả các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.