Trước đó, sáng ngày 11.4, bà H (SN 1967 ở phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng là nhân viên mạng Viettel thông báo số điện thoại của bà đang phát tán nhiều tin nhắn rác. Bà cần liên hệ ngay với Công an để phối hợp, hỗ trợ.
Sau đó, tiếp tục có 1 đối tượng gọi điện thoại đến tự xưng là cán bộ Công an Hà Nội thông báo bà H đang liên quan đến vụ án ma tuý, yêu cầu bà kê khai toàn bộ số tài khoản ngân hàng, rút toàn bộ số tiền hiện có nhằm phục vụ công tác điều tra.
Đến 11h cùng ngày, bà H. đến Phòng giao dịch An Hưng, Chi nhánh BIDV Hà Đông yêu cầu rút 60 triệu đồng trong sổ tiết kiệm. Do nhân viên ngân hàng phát hiện bà H. có nhiều biểu hiện không bình thường, nên lãnh đạo phòng giao dịch BIDV An Hưng đã chủ liên hệ với Đội An ninh Công an quận Hà Đông.
Sau khi được hướng dẫn tìm cách giữ bà H. lại trụ sở phòng giao dịch với lí do ngân hàng tạm thời không thực hiện giao dịch, cán bộ Đội An ninh Công an quận Hà Đông đã có mặt kịp thời. Sau khi phối hợp với phía ngân hàng tuyên truyền về hình thức lừa đảo, bà H đã hợp tác với Công an quận Hà Đông và ngừng thực hiện việc rút tiền.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người sập bẫy của các đối tượng.
Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.