Phế phụ phẩm nông nghiệp là tài nguyên
Tại Hội nghị đối thoại "Thúc đẩy cam kết quốc tế và hợp tác đa ngành về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp" ngày 8.7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Phùng Đức Tiến khẳng định, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia và ngành về phát triển xanh và bền vững.
Hơn bao giờ hết, tác động khí hậu, khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, dịch bệnh… khiến các quốc gia phải thay đổi tư duy phát triển và sản xuất theo nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.
Hiện, tổng sản lượng phế phụ phẩm của nước ta là 156,8 triệu tấn; trong đó, phụ phẩm trồng trọt hơn 80 triệu tấn, chăn nuôi trên 60 triệu tấn, lâm nghiệp trên 5 triệu tấn, thủy sản 1 triệu tấn.
"Những con số này cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vô cùng lớn, phải biến nguồn phế phụ phẩm này thành nguồn lợi nâng cao giá trị gia tăng, giảm ô nhiễm môi trường", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Theo Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Ipsard) Nguyễn Anh Phong, nước ta đã từng bước hình thành khung chính sách kinh tế tuần hoàn, tỷ lệ xử lý chất thải và phụ phẩm ngày một gia tăng. Nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn được triển khai sáng tạo, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, hình thành hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Trưởng Đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) Ramla Khalidi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai các cam kết quốc tế đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), ghi nhận lợi ích của nông nghiệp tuần hoàn vì mục tiêu khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Đồng thời, vị này nhấn mạnh, thúc đẩy thu hồi tài nguyên từ chất thải nông nghiệp sẽ góp phần tái sử dụng, sản xuất nguyên liệu, protein, năng lượng và chất dinh dưỡng; tăng cường chất lượng thực phẩm và khả năng chống chịu của các hộ sản xuất nhỏ trước những tác động ngày càng tăng của khí hậu.
Đi sâu vào vấn đề, chuyên gia Phòng Kinh tế tuần hoàn và Biến đổi khí hậu UNDP Morgane Rivoal cho biết, phục hồi tài nguyên là điểm khởi đầu quan trọng để mở rộng quy mô và mở rộng nông nghiệp tuần hoàn.
Lấy ví dụ đối với lĩnh vực lúa gạo, theo bà Morgane Rivoal, thực tiễn ⅔ lượng phân bón bán ra được dùng cho sản xuất lúa gạo tuy nhiên có đến 52 triệu tấn rơm và trấu được tạo ra mỗi năm. Đáng chú ý, phụ phẩm từ lúa (rơm/trấu) có thể cung cấp tới 28,7 triệu tấn chất hữu cơ trong đất; 0,95 triệu tấn urê; 1,33 triệu tấn supe lân đơn và 1,6 triệu tấn kali sunfat.
Ngoài ra, việc tận dụng phụ phẩm từ lúa gạo còn đem lại rất nhiều tiềm năng như sản xuất nấm với năng suất 1ha lúa tạo ra khoảng 250-300kg nấm…
Tạo bước nhảy vọt về khả năng tiếp cận tài chính
Theo ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Sáng Kiến Thương Mại Bền vững IDH tại Việt Nam, thực tiễn những ngành hàng xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu,... yêu cầu nhiều nguyên liệu đầu vào, song lại sản xuất ra lượng phụ phẩm rất lớn. Phụ phẩm là tài nguyên nhưng chúng ta chưa tận dụng hiệu quả.
Ông Dũng cho rằng, ngoài chính sách và các mô hình, nhóm đối tượng rất quan trọng trong kinh tế tuần hoàn là doanh nghiệp. Do đó, cần có chiến lược, định hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào kinh tế tuần hoàn, đáp ứng được 2 yêu cầu về thị trường và lợi nhuận.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, không quốc gia hay ngành nào có thể đơn độc giải quyết những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.
Việt Nam cam kết mạnh mẽ với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và ngành nông nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa cam kết này. Ngày 19.6.2024, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển Khoa học thúc đẩy ứng dụng công nghệ để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Để thành công, cần sự hỗ trợ về nguồn lực, kinh nghiệm và tri thức từ cộng đồng quốc tế, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong nước.
Trên nguyên tắc tăng cường hợp tác quốc tế đa phương, phối hợp đa ngành, Thứ trưởng kêu gọi tất cả các bên liên quan - từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, đến các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp - chung tay, hỗ trợ nguồn lực và tri thức để xây dựng và triển khai các sáng kiến cụ thể về nông nghiệp tuần hoàn trong nông nghiệp, đặc biệt là chuyển giao khoa học công nghệ tiến bộ trong chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp, để cùng nhau biến những thách thức thành cơ hội, xây dựng một nền nông nghiệp xanh, bền vững và thịnh vượng.
Bà Ramla Khalidi cũng kêu gọi tăng cường hợp tác để xây dựng và thực hiện chính sách tuần hoàn, phân bổ đầu tư thỏa đáng, thúc đẩy chia sẻ và hợp tác kiến thức; sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, tận dụng khoa học công nghệ, triển khai các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức… Đồng thời, gợi ý Việt Nam cần tạo ra bước nhảy vọt về khả năng tiếp cận các phương thức tài chính cho nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. UNDP cam kết sẽ đồng hành với Chính phủ Việt Nam.