Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sáng tạo tăng mạnh
Tại Hội thảo tham vấn “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam” sáng 12.3, đại diện CIEM cho biết, nền kinh tế sáng tạo là nền kinh tế hình thành dựa trên các chu trình lên ý tưởng, phát triển, sản xuất, phân phối và tiêu thụ (bao gồm cả xuất khẩu) các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ sáng tạo, gắn với thiết lập, tôn trọng và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Định nghĩa này nhấn mạnh yếu tố gồm thương mại hóa sản phẩm hàng hóa và dịch vụ sáng tạo; thiết lập, tôn trọng và bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa sáng tạo toàn cầu tăng trưởng đáng kể do nhiều nước đang triển khai các biện pháp hỗ trợ công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Cụ thể, xuất khẩu này tăng từ 208 tỷ USD năm 2002 lên 524 tỷ USD năm 2020, trong đó châu Á là khu vực xuất khẩu lớn nhất (từ năm 2007); riêng Trung Quốc chiếm tới 32% tổng xuất khẩu hàng hóa sáng tạo toàn cầu, đứng vị trí thứ một thế giới. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa sáng tạo thay đổi từ 2006 đến nay: xuất khẩu đĩa CD, DVD, băng, báo và các tài liệu in khác giảm đáng kể, trong khi xuất khẩu phương tiện truyền thông ghi âm và trò chơi điện tử tăng mạnh…
Xuất khẩu dịch vụ sáng tạo cũng tăng mạnh, từ 487 tỷ USD năm 2010 lên gần 1,1 nghìn tỷ USD vào năm 2020; vượt xa xuất khẩu hàng hóa sáng tạo do sự gia tăng mạnh mẽ trong xuất khẩu phần mềm, dịch vụ nghiên cứu và phát triển cũng như số hóa một số hàng hóa sáng tạo… Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) chia xuất khẩu dịch vụ sáng tạo làm 6 nhóm: nghiên cứu và phát triển; phần mềm; nghe nhìn; thông tin; quảng cáo, nghiên cứu thị trường và kiến trúc; các dịch vụ văn hóa, giải trí và di sản.
Nhiều quốc gia đã có chiến lược phát triển kinh tế sáng tạo. Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM Nguyễn Anh Dương nêu dẫn chứng, tại Trung Quốc, khái niệm công nghiệp sáng tạo lần đầu được áp dụng tại Thượng Hải vào năm 2004, thể hiện tầm nhìn của quốc gia trong việc chuyển đổi từ một nền kinh tế công nghiệp dựa trên xuất khẩu sang một nền kinh tế sáng tạo có tính bền vững, có quyền sở hữu trí tuệ gốc và phát triển thương hiệu hàng đầu, thúc đẩy quyền lực mềm thông qua xuất khẩu văn hóa. Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc (2016 - 2020) đã xem kinh tế sáng tạo như một ngành công nghiệp mới nổi chiến lược.
Tại Hàn Quốc, kinh tế sáng tạo được đặt làm chương trình nghị sự, chính sách lớn năm 2013. Một số ngành công nghiệp sáng tạo tại Hàn Quốc có mức xuất khẩu cao như: trò chơi (2,9 tỷ USD năm 2014); làn sóng Hàn Quốc Hallyu thông qua điện ảnh và âm nhạc (Kpop) đã lan rộng toàn cầu.
Tại Mỹ, 4,01% tổng số doanh nghiệp và 2,04% lao động đang tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp sáng tạo khác nhau. Hoạt động kinh tế văn hóa và nghệ thuật chiếm 4,4% GDP, tương đương 1,02 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Năm 2022, Thượng viện và Hạ viện Mỹ đưa ra Đạo luật Thúc đẩy lực lượng lao động kinh tế sáng tạo và nghệ thuật địa phương nhằm hỗ trợ những người lao động và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo.
Tại Indonesia, kinh tế sáng tạo đóng góp 82 tỷ USD cho GDP của nước này (khoảng 7,5%) và 23,9 tỷ USD cho xuất khẩu (khoảng 10%) trong năm 2021, sử dụng 19 triệu lao động (năm 2019). Kinh tế sáng tạo là sự tổng hòa của ba yếu tố chính: các doanh nghiệp sáng tạo và tri thức; khu vực tư nhân và Chính phủ. Nước này cũng thiết lập bộ, ngành chuyên biệt quản lý kinh tế sáng tạo (Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo - MoTCE); đồng thời có một hệ thống pháp lý tương đối hoàn chỉnh về các ngành công nghiệp sáng tạo, như Luật Thiết kế công nghiệp; Luật về nhãn hiệu; Luật về bản quyền; Chính sách công nghiệp quốc gia…
Lồng ghép kinh tế sáng tạo trong hoạch định chính sách phát triển
Ở Việt Nam, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chỉ rõ, chúng ta đã nhận thấy tiềm năng phát triển của kinh tế sáng tạo. Đây cũng là yếu tố giúp nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhằm đạt mục tiêu trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Dù vậy, bà Minh cho rằng, các thảo luận gần đây về kinh tế sáng tạo chủ yếu mang tính chất sơ khởi, chưa có cơ sở chặt chẽ trên nền tảng nghiên cứu khoa học bài bản, chưa có các hàm ý chính sách đủ chặt chẽ, khả thi. Hiện cũng chưa có khái niệm cụ thể về kinh tế sáng tạo phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.
Dẫn khảo sát tại một số địa phương trong thời gian qua, đại diện CIEM chỉ rõ, vẫn còn cách hiểu khác nhau về kinh tế sáng tạo, thậm chí thiếu sự phân định rạch ròi với đổi mới sáng tạo. Do kinh tế sáng tạo còn tương đối mới, Việt Nam gặp phải tình trạng thiếu các dữ liệu cập nhật, thường xuyên và chi tiết để phân tích các nội dung liên quan.
Nhìn nhận về triển vọng phát triển kinh tế sáng tạo tại Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương đánh giá, chúng ta đang có nhiều cơ hội nhờ dân số trẻ, hiểu biết về công nghệ, di sản văn hóa phong phú, quá trình số hóa diễn ra nhanh chóng, tăng cường hội nhập với kinh tế toàn cầu…
Cũng theo ông Dương, các ngành kinh tế sáng tạo nước ta gồm có thủ công mỹ nghệ; thời trang và thiết kế; nghệ thuật ẩm thực; nghệ thuật biểu diễn; nghệ thuật tạo hình; phim và truyền thông; công nghệ thông tin và kỹ thuật phần mềm; du lịch và di sản văn hóa; âm nhạc và giải trí; xuất bản và văn học; sáng tạo nội dung số…
Thực tế, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách cho kinh tế sáng tạo. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; Chiến lược phát triển lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng (game online) giai đoạn 2022 - 2027; Quyết định số 801/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030… Tuy vậy, các chính sách, cơ chế ưu đãi vẫn còn vướng mắc trong thực hiện.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo, các chuyên gia đề xuất cần hoàn thiện các thể chế chính sách, pháp luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp; có tư duy lồng ghép kinh tế sáng tạo trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế, chính sách xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Cùng với đó, cần tạo cơ chế hỗ trợ (thuế, tài chính, mặt bằng, kết nối, liên kết ngành...); thúc đẩy chuyển đổi số để hỗ trợ hiệu quả hơn cho kinh tế sáng tạo.