Dữ liệu tài chính hợp nhất quý 4.2023 của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) thể hiện, ba tháng cuối năm, doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt 9.760 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2022. Trừ đi giá vốn bán hàng, lợi nhuận gộp đạt 1.751 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 37,5% xuống còn 20 tỷ đồng. Cùng chiều, chi phi tài chính cũng giảm mạnh. Trừ đi chi phí bán hàng, quản lý...Sau cùng, PNJ báo lãi trước thuế đạt 796 tỷ đồng, tăng 34% so với quý 4.2022.
Luỹ kế cả năm 2023, doanh thu thuần của PNJ đạt 33.137 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế đạt 1.971 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2022. So với mục tiêu đề ra, PNJ thực hiện được 93% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 2% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Về tình hình tài chính, khối tài sản của PNJ khi kết thúc năm 2023 ở mức 14.429 tỷ đồng, tăng 8,1% so với hồi đầu năm. Trong cơ cấu tài sản, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn gần 76% - 10.940 tỷ đồng, chủ yếu là sản phẩm thành phẩm đang tồn chưa bán (chiếm hơn 7.000 tỷ đồng).
PNJ đang có 240 tỷ tiền mặt, 558 tỷ tiền gửi ngân hàng và 96 tỷ tiền đang chuyển. Trong các khoản đầu tư tài chính của PNJ có tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức 810 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong danh mục đầu tư góp vốn của PNJ vẫn là những cái tên “quen thuộc” gồm: Công ty CP Người Bạn Vàng (Đang góp 3,98 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đông Á (EAB, đang góp 395 tỷ đồng).
Thuyết minh của PNJ cho biết, doanh nghiệp đã phải dự phòng toàn bộ cho khoản đầu tư góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đông Á. Nguyên nhân vì tại ngày 31.12.2023, Ngân hàng TMCP Đông á vẫn đang trong diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước và cổ phiếu EAB không được phép chuyển nhượng. Khoản tiền 395 tỷ này thực chất đã “kẹt” nhiều năm.
Mở rộng thêm về khoản tiền đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đông Á có thể thấy, Chủ tịch HĐQT của PNJ là bà Cao Thị Ngọc Dung. Bà Dung được biết đến là vợ của ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á. Nhiều năm trước, vụ việc ông Trần Phương Bình bị khởi tố từng gây băn khoăn cho nhiều cổ đông PNJ về mối quan hệ giữa PNJ và Đông Á.
Tại PNJ, bà Cao Thị Ngọc Dung vẫn đang là cổ đông lớn với khối lượng sở hữu tính đến tháng 1.2024 là 9.373.689 cổ phiếu PNJ, tương ứng khoảng 896 tỷ đồng. Ba con gái bà Dung là bà Trần Phương Ngọc Giao; Trần Phương Ngọc Thảo và Trần Phương Ngọc Hà cũng sở hữu lần lượt 9.667.814 cp; 7.688.533 cp và 12.266.666 cp. Ngoài ra, anh trai và em gái của bà Dung cũng sở hữu cổ phiếu PNJ với số lượng lớn.
Đối với Công ty CP Người Bạn Vàng (Người Bạn Vàng) - một doanh nghiệp liên hệ mật thiết đối với PNJ, trong nhiều năm qua, PNJ thường xuyên “bơm tiền” cho Người Bạn Vàng.
Dữ liệu doanh nghiệp thể hiện, vào tháng 1 năm 2021, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa thông qua chủ trương góp vốn vào Công ty cổ phần Người Bạn Vàng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp này khai thác nguồn vốn cần thiết trong quá trình hoạt động.
Ông Lê Trí Thông – Tổng giám đốc được giao quyết định thời điểm và mức góp cụ thể, nhưng con số không vượt quá 30% vốn điều lệ của đối tác.
Công ty cổ phần Người Bạn Vàng được thành lập giữa năm 2017 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Nửa năm sau, công ty tăng vốn lên 10 tỷ đồng và giữ nguyên ba cổ đông lớn.
Trên website, công ty này tự giới thiệu hoạt động chính trong lĩnh vực cầm đồ theo chuỗi. Công ty hiện có hàng chục điểm giao dịch ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền nam. Tất cả điểm giao dịch đều đặt bên trong cửa hàng PNJ. Chuỗi nhận cầm những trang sức quý như vàng, kim cương và các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng như Rolex, Hublot, Patek Philippe...
Tại ngày 31.12.2023, PNJ đang cho Công ty Cổ phần Người Bạn Vàng vay 90 tỷ đồng, giảm đáng kể so với 140 tỷ đồng hồi cuối năm 2022. Số dư cuối kỳ thể hiện các khoản cho vay với lãi suất 8,5%/năm, có thời hạn cho vay dưới 12 tháng.