“Đất vàng” bị mắc kẹt
Sân vận động Chi Lăng được bao quanh bởi các tuyến đường Lê Duẩn - Ngô Gia Tự - Hùng Vương - Chi Lăng thuộc quận Hải Châu (Đà Nẵng). Đây là khu đất "vàng" nằm ngay giữa trung tâm TP. Đà Nẵng nhưng do dính đến vụ án Phạm Công Danh, Tập đoàn Thiên Thanh nên suốt nhiều năm qua, khu đất này bị “xẻ” nhỏ cho các dịch vụ đỗ xe, tập gym.
Theo hồ sơ tài liệu, năm 2010, UBND TP. Đà Nẵng đã bán sân Chi Lăng có diện tích 5,5 hecta cho Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh để xây dựng Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng. Tuy nhiên, sau đó dự án không được triển khai, khu đất sân vận động này lại được chia thành 14 lô và đã cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh. Năm 2013 và 2014, các công ty này thế chấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên để vay vốn ngân hàng.
Năm 2014, Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT của VNCB, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số lãnh đạo VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh bị khởi tố, bắt tạm giam phục vụ điều tra vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo bản án của TAND cấp cao tại TP. HCM, nhiều tài sản là bất động sản của Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh bị kê biên để đảm bảo thi hành án, trong đó có sân vận động Chi Lăng.
Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc mua bán sân vận động Chi Lăng có nhiều sai phạm, buộc phải thu hồi một khoản tiền lớn. Do “dính” kết luận này cũng như các bản án liên quan, việc thi hành án đối với sân vận động Chi Lăng kéo dài suốt nhiều năm qua nhưng chưa thể thực hiện được. Ngoài ra, tại khu vực này còn 4 lô đất thuộc giai đoạn 2 chưa giải phóng mặt bằng và chưa được công nhận quyền sử dụng đất.
Nổ lực để “chuộc” lại sân Chi Lăng
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND và Đoàn Đại biểu Quốc TP. Đà Nẵng, nhiều cử tri đã bày tỏ mong muốn thành phố “chuộc” lại sân vận động Chi Lăng để tạo không gian phát triển mới cho khu trung tâm thành phố. UBND TP. Đà Nẵng cũng đã có nhiều động thái nhằm thu hồi khu đất vàng này.
Theo đó, từ năm 2018, UBND TP. Đà Nẵng đã có công văn số 9227/UBND-STP gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành bản án hình sự vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, phần liên quan đến quyền sử dụng đất tại khu phức hợp Sân vận động Chi Lăng.
Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chính quyền địa phương được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại sân vận động Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với bên được thi hành án.
Đổi lại, Đà Nẵng sẽ chuyển trả toàn bộ tiền sử dụng đất mà các doanh nghiệp thực nộp vào ngân sách khi được giao khu đất nói trên để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp. Số tiền sử dụng đất Đà Nẵng thực tế thu nộp ngân sách nhà nước khi giao quyền sử dụng đất là 1.251 tỷ đồng (sau khi giảm 10% là 139 tỷ đồng).
Cụ thể, Đà Nẵng sẽ thỏa thuận với các ngân hàng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (ngân hàng 100% vốn của Nhà nước) nhằm thực hiện thay nghĩa vụ thi hành án của người sử dụng đất, đồng thời thu hồi lại các lô đất thuộc khu vực sân Chi Lăng.
Tuy nhiên, hơn 5 năm qua, kế hoạch “chuộc” lại sân Chi Lăng của Đà Nẵng vẫn chưa thể thực hiện do vướng các quy định pháp luật liên quan. Người dân vẫn không khỏi xót xa khi nhìn khu đất vàng hoang phế, đổ nát. Nhiều tòa nhà xây dựng xung quanh sân vận động này được tháo dở để phục vụ công tác thi hành án. Tuy nhiên, việc thi hành án cũng không thể thực hiện do các vướng mắc, chồng chéo về quy định pháp luật.
Liên quan đến các ý kiến của cử tri phản ánh về một số “đại dự án” như: sân vận động Chi Lăng, khu đô thị quốc tế Đa Phước “đứng bánh” nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng cho hay, đang tích cực triển khai nhiều nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, thành phố kiên trì báo cáo các cấp, các ngành chức năng sớm đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Trong năm 2023, Đà Nẵng cũng đã tập trung chỉ đạo và quyết liệt thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán thuộc thẩm quyền của thành phố; đã hoàn thành 20/27 kiến nghị theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (đạt gần 75%); thực hiện được 156/214 kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (đạt hơn 70%), kiến nghị về xử lý tài chính đã thực hiện được 2.230/2.361,5 tỷ đồng (đạt gần 95%).
Dù vậy, vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong các Kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước liên quan đến các dự án lớn “vượt tầm” giải quyết của Đà Nẵng. Hệ quả là những dự án này vẫn tiếp tục “treo”, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho địa phương.
(Còn nữa).