Đến dự lễ khởi công có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đỗ Thanh Bình cùng đại diện lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu cùng tham dự.
Theo Bộ GTVT, dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quau – Vĩnh Thuận có tổng chiều dài gần 52km, trong đó, đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài hơn 45km, đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài khoảng 6,6km.
Đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất có chiều dài đoạn tuyến hơn 11km, điểm đầu và điểm cuối nằm trên tuyến quốc lộ 61, nối huyện Châu Thành và huyện Giồng Riềng, Kiên Giang.
Đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận có chiều dài đoạn tuyến khoảng gần 41km, điểm đầu nối với quốc lộ 61, thuộc địa phận huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang; điểm cuối giao quốc lộ 63, thuộc địa phận huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Theo thiết kế, giai đoạn đầu, đường Hồ Chí Minh được xây dựng theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng với 2 làn xe. Khi hoàn thành, nâng lên 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h cho cả hai giai đoạn. Trên tuyến đường có 26 cầu, trong đó 3 cầu lớn vượt sông gồm: cầu Cái Lớn, cầu Bần Ổi và cầu Bến Luông.
Tổng mức đầu tư của dự án hơn 3.900 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong đó chi phí bồi thường, tái định cư dự kiến là gần 540 tỷ đồng và chi phí xây dựng hơn 2.800 tỷ đồng. Dự án được thực hiện từ năm 2022 - 2025.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu,dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận là dự án quan trọng trong khu vực Tây Nam Bộ, một trong những cơ sở hạ tầng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, phát triển đô thị - công nghiệp - thương mại - du lịch - dịch vụ.
Để Dự án được triển khai xây dựng đảm bảo tiến độ, chất lượng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm yêu cầu Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (Chủ đầu tư), các đơn vị tư vấn, nhà thầu tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, sai phạm; Đề nghị 2 tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu sớm hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các Khu tái định cư và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; bố trí bãi đổ thải, ưu tiên cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho dự án.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu cho rằng, khi dự án đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu hoàn thành, sẽ thuận lợi trong giao thương hàng hóa, tạo tiền đề quan trọng để các tỉnh miền Tây đón các nhà đầu tư tiềm năng đến xây dựng nhà máy, công ty, tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, khối lượng vật liệu đất phục vụ thi công dự án cần khoảng 364.000m3 đất, 329.842m3 đá và hơn 2,1 triệu m3 cát. Ngoài công tác lo nguồn vật liệu, nhất là nguồn cát san lấp, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu đang gấp rút triển khai công tác giải phóng mặt bằng, sớm ban giao mặt bằng sạch cho nhà thầu vào trước ngày 30.10.2024.
Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh được khởi công năm 2000, tổng chiều dài 2.744km. Đến nay, đã hoàn thành 2.488km (đạt hơn 90%) và khoảng 258km tuyến nhánh.
Với 256km còn lại thuộc 5 dự án thành phần đang triển khai gồm: đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (dài gần 29km); đoạn Hòa Liên - Túy Loan (dài 11,5km); đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (dài gần 73km); Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (dài gần 52km); đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến (đang nghiên cứu với chiều dài hơn 87km).
Để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai dự án, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 cho phép đến năm 2025 cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở sử dụng QL32 và QL21