Huy động nguồn lực cho trường mầm non ngoài công lập
Báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chiều 23.8, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Nguyễn Đại Lượng cho biết, là địa bàn công nghiệp trọng điểm của tỉnh Bắc Giang, hiện có khoảng 173.760 lao động làm việc tại 4 khu công nghiệp trên địa bàn huyện, trong đó lao động ngoại tỉnh khoảng 52.600 người; mỗi năm tốc độ tăng dân số của huyện trên 100 nghìn người, tương ứng với bình quân mỗi năm có khoảng 3.100 trẻ trong độ tuổi mầm non đi học. Tuy nhiên, các trường mầm non công lập không đủ phòng học và giáo viên để nhận các cháu trong độ tuổi nhà trẻ (6 tháng - 36 tháng tuổi).
Thực hiện chủ trương của tỉnh Bắc Giang, huyện Việt Yên đã thực hiện quy hoạch xây dựng trường mầm non tư thục tại khu công nghiệp, khu chế xuất; mở rộng, xây dựng thêm phòng học cho các trường mầm non công lập; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non ngoài công lập. UBND huyện đã có Quyết định thành lập 10 trường mầm non tư thục.
Tính đến tháng 6.2022, có 7 trường mầm non tư thục đang hoạt động (Âu Cơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Như Nguyệt, Hoa Sen, Âu Cơ 2, Hoa Sữa, VSCHOOL); năm học 2022 - 2023, thêm 2 trường mầm non tư thục đi vào hoạt động với quy mô từ 10 - 15 nhóm lớp (Mầm non Hạnh Phúc xã Việt Tiến, Mầm non Bảo Ngọc xã Tăng Tiến). Các nhóm trẻ độc lập tư thục đã được hỗ trợ theo Nghị quyết 28 của HĐND tỉnh là 189 nhóm, kinh phí hỗ trợ là 3,780 tỷ đồng.
Dự báo lượng công nhân ngoại tỉnh đến làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Yên sẽ tiếp tục tăng, huyện Việt Yên đề nghị tiếp tục có chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở giáo dục mầm non phục vụ con em công nhân khu công nghiệp, trong đó xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của đoàn thể và của nhà đầu tư (ưu đãi thuế, vay vốn, đất đai); hỗ trợ hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non phục vụ công nhân làm việc trong các khu công nghiệp (học phí, lương giáo viên mầm non, tổ chức nhân sự và bộ máy...).
Sau đại dịch Covid-19, đội ngũ giáo viên các trường mầm non tư thục và cơ sở mầm non độc lập tư thục không ổn định, khó tuyển được giáo viên có bằng cấp chuyên môn theo quy định, tỷ lệ giáo viên không bảo đảm. Do lương thấp, công việc vất vả, nên có tình trạng giáo viên các trường mầm non công lập xin nghỉ việc để chuyển sang làm công việc khác. “Ngay sáng nay (23.8), tôi ký 5 quyết định xin cho thôi việc của giáo viên mầm non” - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đại Lượng chia sẻ. Vì thế, để thu hút và giữ chân giáo viên mầm non, Việt Yên kiến nghị có chính sách đối với giáo viên hợp đồng trong các cơ sở giáo dục mầm non, cần hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập được hỗ trợ đóng bảo hiểm hoặc một khoản thu nhập hàng tháng… để họ yên tâm gắn bó với nghề.
Có chỗ gửi con tin tưởng, công nhân sẽ yên tâm làm việc
Đoàn giám sát ghi nhận sự quan tâm của tỉnh Bắc Giang, của huyện Việt Yên dành cho giáo dục mầm non, có sự đầu tư từ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đến quy hoạch quỹ đất để mở trường mầm non, giải quyết nhu cầu gửi trẻ của người dân, đặc biệt là công nhân khu công nghiệp. Huyện cũng quan tâm bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non ngoài công lập khi giao trường mầm non công lập chịu trách nhiệm về quản lý chuyên môn, dự giờ thăm lớp, hướng dẫn giúp đỡ, tư vấn chuyên môn cho cơ sở mầm non độc lập tư thục; yêu cầu cơ sở mầm non độc lập tư thục bảo đảm các điều kiện đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh, tuyệt đối không đế giáo viên không có trình độ chuyên môn đứng lớp…
Chia sẻ với những khó khăn, thách thức của huyện Việt Yên khi phải đối mặt với tăng dân số cơ học, đi kèm là các chính sách xã hội cho số lao động nhập cư và con em họ, Đoàn giám sát mong muốn huyện tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách cho giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng, bảo đảm điều kiện hoạt động cho các cơ sở giáo dục mầm non vừa chất lượng vừa an toàn; có chính sách giữ chân những giáo viên tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ.
Trong bối cảnh số lượng công nhân ngoại tỉnh làm việc trên địa bàn ngày càng tăng, cần tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực để xây dựng thêm cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân khu công nghiệp. Bởi theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa - Trưởng đoàn giám sát, nếu lao động khu công nghiệp có chỗ gửi con tin tưởng, họ sẽ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài, doanh nghiệp sẽ hoạt động ổn định và thuận lợi, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của địa phương.
Trước đó, Đoàn giám sát đã làm việc với Công ty TNHH Luxshare-ICT (khu công nghiệp Vân Trung) và khảo sát tại một số cơ sở giáo dục mầm non, nhóm trẻ độc lập tư thục tại huyện Việt Yên. Qua trao đổi cho thấy, nhu cầu gửi con của công nhân các khu công nghiệp rất lớn, đặc biệt đối với nhóm trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi. Đại diện một số doanh nghiệp rất đồng tình với kiến nghị của huyện Việt Yên là có chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phục vụ con em công nhân khu công nghiệp, thậm chí nghiên cứu phương án xây dựng nhà trẻ, trường mầm non ngay trong khu công nghiệp để công nhân có thể tiện đưa đón con…