Trải qua 15 năm với chính sách thí điểm lần đầu tiên áp dụng tại cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, hiện trên cả nước 28 khu kinh tế cửa khẩu, tại 21 tỉnh. Trong đó, giáp biên giới với Trung Quốc có 11 khu kinh tế, giáp biên giới với Lào có 9 khu kinh tế, giáp biên giới với Campuchia có 9 khu kinh tế. Khu kinh tế cửa khẩu chủ yếu nằm ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, kinh tế chậm phát triển. Tuy nhiên, với sự đầu tư của Nhà nước và năng động của chính quyền địa phương, các địa bàn này đều đã trở thành những trung tâm kinh tế thương mại phát triển, làm động lực cho các khu vực lân cận phát triển. Quá trình phát triển các khu kinh tế cửa khẩu đã tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp.
![]() | |
Cửa khẩu Mộc Bài | Nguồn: congdulich.com |
Kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các khu kinh tế cửa khẩu tăng trưởng khá qua các năm, năm 2010 đạt hơn 5,4 tỷ USD. Trong giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu qua các khu kinh tế này đều đạt trên 25%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu chung của cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước qua các khu kinh tế cửa khẩu trong năm 2010 đạt khoảng 4800 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu tại các khu vực giáp với Trung Quốc (87,4%), giáp với Lào (11,7%), giáp Campuchia (0,9%). Các khu kinh tế cửa khẩu giáp biên giới Campuchia có số thu thấp do hoạt động xuất khẩu là chủ yếu nên thu về xuất nhập khẩu thấp và các dự án đầu tư đang trong thời gian được hưởng ưu đãi về thuế.
Ngoài ra, việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu đã tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, đời sống nhân dân địa phương được nâng cao, cơ sở hạ tầng được cải thiện, kinh tế - xã hội, phát triển thu hút dân cư đếán làm ăn, sinh sốëng, gắn bó vớái biên giớái. Thu nhập bình quân của dân cư trong những khu vực này được cải thiện rõ rệt. Việc hình thành khu kinh tế cửa khẩu đã thu hút dân cư đến làm ăn, sinh sống, người dân gắn bó với khu vực biên giới, an ninh quốc phòng được củng cố, giữ vững. Thông qua hoạt động tại khu kinh tế này đã từng bước mở rộng quan hệ, giao lưu, củng cố tình hữu nghị giữa nước ta với các quốc gia láng giềng.
Nhưng có thể thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2010 của khu vực này chưa đạt kế hoạch đã đề ra (từ 13 – 14 tỷ USD). Lượng hàng hóa được vận chuyển qua khu vực này chủ yếu từ các vùng kinh tế khác chuyển đến. Hàng tại các khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế cửa khẩu chiếm tỷ lệ không nhiều. Vì thế, số thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu không thể hiện sự phát triển sản xuất, kinh doanh tại khu vực. Nói cách khác, người dân trong khu vực lân cận, địa phương không thụ hưởng nhiều từ phát triển của khu kinh tế cửa khẩu. Đại diện Vụ Kinh tế dịch vụ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cả nước có gần 30 khu kinh tế cửa khẩu nhưng hiện chỉ có các các khu kinh tế cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai đang hoạt động nhộn nhịp cả về thương mại dịch vụ, công nghiệp, xuất nhập khẩu.
Như vậy, dù đã có những phát triển nhất định, thì nhìn chung khu kinh tế cửa khẩu chưa tương xứng với vị trí quan trọng của khu vực này. Theo phản ánh của những địa phương có khu kinh tế cửa khẩu, chính sách ưu đãi dành cho khu vực này thường xuyên sửa đổi, bổ sung đã ảnh hưởng hoạt động đầu tư của doanh nghiệp và công tác quản lý. Một số ưu đãi về thương mại, du lịch, thuế, thủ tục xuất nhập cảnh, tín dụng tại khu kinh tế cửa khẩu hiện không được áp dụng. Vì thế, thực chất chính sách với khu vực này không khác biệt so với chính sách chung. Một số quy định của Nghị định số 29 và các văn bản pháp luật có liên quan khác còn chồng chéo, khác biệt như về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư mở rộng; thuế thu nhập cá nhân… Việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý Khu kinh tế trong một số lĩnh vực chưa được thực hiện đầy đủ, nhất quán.
Nhưng có thể thấy, việc ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với khu kinh tế cửa khẩu đã được thực tế chứng minh là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu hình thành của khu vực này. Trong khi đó, các khu kinh tế cửa khẩu đều nằm ở địa bàn đặc biệt, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu kinh tế - thương mại với các nước có chung đường biên giới, bảo đảm giữ vững an ninh quốc phòng trên tuyến biên giới đất liền. Do vậy, có ý kiến cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp với cam kết gia nhập WTO. Đặc biệt là duy trì một nguồn vốn nhất định để phát triển cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu.