- Thưa ông, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 được tổ chức trong bối cảnh đất nước và thế giới vừa “tạm thoát” khỏi đại dịch Covid-19. Ông cảm nhận thế nào về "sức khỏe" nền kinh tế hiện nay và thời điểm cơ quan quyền lực tối cao tham gia vào tháo gỡ khó khăn?
Tôi nghĩ rằng, trong bối cảnh hậu Covid-19, tình hình kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang có những tác động mạnh mẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế. Là cơ quan tối cao, xây dựng thể chế, pháp luật, tôi đánh giá rất cao tinh thần hành động và đồng hành với dân tộc mà Quốc hội đang thể hiện. Đồng bào vẫn chưa quên hàng loạt quyết sách được Quốc hội đưa ra nhằm giúp Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong thời điểm chống dịch, cho thấy Quốc hội ngày càng đổi mới và có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần phát biểu.
Về cơ bản, chúng ta đối diện với những khó khăn thách thức nhất định, do vậy trong thời gian tới cần phải triển khai nhanh những nhóm giải pháp cụ thể hơn để phục hồi kinh tế, đảm bảo tính ổn định và phát triển kinh tế bền vững hơn.
- Thưa ông, để phục hồi kinh tế trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần quan tâm tập trung giải quyết những vấn đề gì? Chủ đề của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 là "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" liệu có đúng và trúng lúc này?
Tôi cho rằng, cụm từ "thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" hết sức chính xác trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới có những biến động khó lường, sự tác động của vấn đề hậu Covid-19 hiện tại. Thời gian qua, Việt Nam đã có những nhóm giải pháp nhất định để phục hồi nền kinh tế, đảm bảo tính ổn định, bền vững. Theo tôi nghĩ, để phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới, chúng ta cần quan tâm, tập trung giải quyết quyết liệt 4 vấn đề như sau:
Một là, cần phải duy trì, phát huy ổn định vấn đề an ninh chính trị, ổn định an toàn xã hội.
Hai là, phải quan tâm đến giáo dục một cách đúng mức để nâng tầm tri thức cho người dân, đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lần thứ tư để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Ba là, cần phải quan tâm đến việc hoàn thiện xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, hệ thống văn bản pháp luật, đảm bảo đầy đủ cho nền kinh tế “cất cánh”.
Bốn là, phải quan tâm đặc biệt tới vấn đề bảo vệ môi trường, cần phải quyết liệt hơn. Đây là nhiệm vụ quan trọng mà trong nhiều năm qua, không cứ Việt Nam chúng ta mà nhiều nước trên thế giới đang phải đồng hành, quyết tâm triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, để phát triển kinh tế bền vững. Năm 2020, chúng ta đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường mới, hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững, nền kinh tế tuần hoàn, được triển khai bằng nhiều văn bản pháp lý, hướng dẫn để công tác môi trường ngày một cải thiện hơn. Hay nói cách khác, chưa xử lý được môi trường, đừng nên nghĩ đến phát triển bền vững!
- Ông vừa nhắc tới khái niệm kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bền vững. Vậy, theo ông, cần bàn thêm những giải pháp gì để phát triển kinh tế bền vững?
Như tôi chia sẻ ở trên, muốn phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới thì phải đặc biệt phải quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Hiện nay, trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chúng ta phải quan tâm đến việc xử lý rác theo hướng kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn là một khái niệm đầy đủ trọn vẹn cho một chu trình sản xuất kinh tế bền vững, có tính kế thừa, có tính tận dụng, đảm bảo tối ưu, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, tối ưu hoá quá trình sản xuất. Đầu ra của vòng đời sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm sau. Từ đó, chúng ta tiết kiệm được nguồn nhiên liệu, nguyên liệu, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, giúp cho kinh tế hiệu quả hơn và bền vững hơn.
Cụ thể, trong công tác xử lý môi trường, xử lý rác thải, chúng ta phải quan tâm tối đa đến vấn đề tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất, trong quá trình sinh hoạt của người dân. Từ đó tạo ra các sản phẩm tái chế có giá trị, thậm chí giá trị cao như điện, phân hữu cơ... Đó được coi là một chu trình sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn thì ngoài việc tái chế, tái sử dụng chất thải như trên, chúng ta cần phải quan tâm đến quá trình sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân để đảm bảo giảm lượng chất thải không đáng có, giúp cho môi trường được sạch sẽ hơn, phát triển kinh tế bền vững hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Lê Tùng (thực hiện)