Gieo ước mơ khởi nghiệp
Sinh ra và lớn lên tại khu vực có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, hàng ngày chứng kiến những người nông dân lao động vất vả tối ngày nhưng cuộc sống vẫn không thoát khỏi cái nghèo, cái khó, Nguyễn Thanh Bình ấp ủ mong muốn làm được điều gì để thay đổi bộ mặt của quê hương. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Bình quyết định theo học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mang theo khát vọng phát triển từ vốn giá trị miền núi.
Cơ duyên đưa Bình đến với giống gà Mông bản địa Việt Nam là khi tham gia các chương trình tình nguyện hồi học phổ thông, nhìn con gà đen rất lạ, anh tìm hiểu thì biết đây là giống gà quý, thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ ít mà giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Trong thôn bản nhiều nhà nuôi, song nhiều lắm chỉ đôi ba chục con, thi thoảng khi nhà có việc mới mổ thịt, chứ chẳng ai nghĩ tới nuôi gà để làm giàu. Điều đó khiến Nguyễn Thanh Bình dấy lên quyết tâm sau khi ra trường sẽ chọn giống gà này để khởi nghiệp.
Ấy thế, Bình không đợi đến khi ra trường mới bắt tay vào công việc. Hiểu rằng nguồn gà thuần chủng đặc sắc đang ngày càng bị mai một, bị lai tạp nhiều, nếu không nhanh sẽ khó bảo tồn được giống quý, Bình và một nhóm bạn đã cùng nhau thực hiện Dự án Bảo tồn giống gà đen Mông, và giành giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm 2017. Có điều, khi bắt tay thực hiện, do gặp nhiều khó khăn nên các cộng sự của Bình đều bỏ cuộc, riêng chàng trai trẻ vẫn đau đáu kiên trì.
“Sau khi dự án giành giải cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia, nhiều doanh nghiệp ngỏ ý đầu tư tài chính nhưng tôi thấy không phù hợp. Cái tôi muốn là con đường phát triển bền vững với giống gà Mông, để gà giữ được giống thuần chủng, được phát triển tại chính vùng địa lý phù hợp, và góp phần mang lại giá trị kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc”, Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.
Vừa giữ nguồn gen quý, vừa nâng cao thu nhập
Nghĩ là làm, Bình bắt tay gây dựng đàn gà thuần chủng. Thời điểm năm 2018, 2019, nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện mô hình nuôi gà đen Mông theo hướng thương mại, lai tạp, nên để chọn được giống gà tốt không dễ. Chàng thanh niên bền bỉ lặn lội lên các bản xa xôi của Yên Bái để tìm mua giống gà gốc.
“Khâu chọn giống vô cùng quan trọng, đó là công đoạn đầu tiên và đòi hỏi sự khắt khe nhất, để gà không bị lai tạp với bất kỳ giống gà nào khác. Cách phân biệt là mào cờ phải cao, có màu tiết dê, trên mào có nhiều nốt sần, đặc biệt là đồng tử trên mắt có màu đen thẫm. Ngoài ra, da cánh gà phải có màu xám xanh, màu đen. Còn đối với gà đã lai tạp, điểm dễ nhận dạng nhất là mào gà nhẵn”.
Tuy nhiên, giống gà này có một hạn chế là vòng đời một con gà mái chỉ đẻ 65 - 75 quả trứng. Đặc biệt, với tập quán chăn thả của bà con vùng cao thì số lượng trứng nở ra gà con chỉ đạt tỷ lệ rất nhỏ. Vì vậy, Nguyễn Thanh Bình quyết định thực hiện nhân giống, nuôi gà Mông thương phẩm thả vườn theo hướng an toàn sinh học.
Do tập tính của gà Mông vốn ưa sống trong môi trường hoang dã, tự nhiên nên môi trường chăn thả được bố trí rộng rãi, nhiều cây cỏ…; quy trình chăm sóc được bảo đảm, với lượng thức ăn chính của gà chủ yếu là ngô. Giống gà Mông thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là vào mùa lạnh, do đó, đàn gà được tiêm vắc-xin định kỳ. Vì nuôi thả tập trung với cách thức như vậy nên bảo đảm số lượng gà tăng trưởng, phát triển tốt, ổn định.
Mỗi con gà Mông trưởng thành nặng từ 1 - 1,5kg, giá bán của loại gà thịt trung bình khoảng 200.000 - 250.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 300.000 - 400.000 đồng/kg. Gà giống giá dao động khoảng 40 - 50 nghìn/con. Trung bình đàn gà khoảng 150 con mỗi lứa có thể thu về 20 - 30 triệu đồng, một năm 3 - 4 lứa gối nhau sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định. Riêng nhà Bình hiện nuôi vài trăm con gà đẻ trứng và gà thịt, thường xuyên ấp trứng để bán giống gà con từ 1 tuần tuổi - 1 tháng tuổi, thu nhập mỗi năm đều đặn hàng trăm triệu đồng.
Xác định chăn nuôi giống gà này có thể đem lại nguồn thu lớn, Nguyễn Thanh Bình đã thành lập Tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi giống gà Mông xã Cát Thịnh. Bình tích cực chia sẻ kiến thức chăn nuôi, phổ biến cho thanh niên, các hộ gia đình trong xã cách chọn giống và kỹ thuật để phát triển mô hình chăn nuôi. Hiện tại, một số trong xã Cát Thịnh đã áp dụng mô hình, bước đầu đem lại nguồn thu nhập.
Nhìn ra tiềm năng của giống gà đen Mông còn rất lớn, Nguyễn Thanh Bình đã lập kênh facebook Gà đen Mông bản địa Việt Nam, hiện có gần 2 nghìn lượt theo dõi. Thông qua kênh này, Bình phổ biến kiến thức phân biệt, nuôi giống gà đen quý cũng như làm địa chỉ tin cậy cho những khách hàng ưa chuộng dễ dàng tìm mua.
Nguyễn Thanh Bình chia sẻ nỗ lực của mình trong suốt những năm qua không chỉ để làm giàu cho bản thân, mà là làm sao giống gà đen của dân tộc Mông được nhiều người biết đến hơn, từ công việc như vậy sẽ giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm, mang lại thu nhập cao hơn cho bà con. Song song với việc bảo tồn, quá trình phát triển giống gà ngay tại địa phương đã cho thấy chính đồng bào là chủ nhân của giống gà đen Mông hoàn toàn có thể làm giàu từ nó.