- Xin Ông cho biết những kết quả chủ yếu của phòng thí nghiệm vật liệu và linh kiện điện tử trong thời gian vừa qua?
- Với tổng kinh phí đầu tư khoảng 3,5 triệu USD, Phòng Thí nghiệm điện tử (PTNĐT) đã thực sự tạo được bước phát triển mới cho cả nghiên cơ bản chất lượng cao và một số nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao của Viện Khoa học vật liệu. PTNĐT đã xây dựng được hệ thống các thiết bị quan trọng và khá đồng bộ như: dây chuyền thiết bị sản xuất vật liệu nam châm đất hiếm, thiết bị hiển vi điện tử quét phân giải cao, thiết bị đo tính chất vật lý PMMS, thiết bị tạo màng bằng laser, cùng nhiều thiết bị đo và thiết bị công nghệ khác cho nhiều loại vật liệu mới.
Nhìn chung, các thiết bị của PTNĐT được khai thác hiệu quả, một số thiết bị hoạt động với tần suất rất cao như hiển vi điện tử quét (FE-SEM), hệ nhiễu xạ tia X, hệ tán xạ Raman, và một số hệ thống thiết bị đo phục vụ nghiên cứu tính chất quang của vật liệu... các thiết bị được khai thác theo đúng tiêu chí của PTNĐT mở. PTNĐT đã cung cấp công cụ để xây dựng mới hoặc nâng tầm một số hướng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng của Viện như: công nghệ chế tạo vật liệu, nghiên cứu tính chất và ứng dụng vật liệu ống cacbon nano đơn và đa tường; chế tạo vật liệu, nghiên cứu tính chất của vật liệu từ tính kích thước nano định hướng ứng dụng trong y sinh; chế tạo vật liệu dẫn nạp thuốc, chế tạo vật liệu quantum dots với công nghệ chế tạo ổn định ứng dụng trong công nghệ đánh dấu sinh học, bảo mật... PTNĐT đã tạo cơ sở cho việc thực hiện các kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, nhiều công trình được đăng trên tạp chí có tuy tín cao; một số thiết bị của PTNĐT đã phục vụ trực tiếp việc chế tạo hàng loạt thiết bị tuyển từ trang bị cho nhiều cơ sở khai khoáng trong nước và một số sản phẩm có thể thương mại hóa khác.
Trong 5 năm qua, Viện đã triển khai thực hiện 20 đề tài cấp Nhà nước thuộc các Chương trình KHCN trọng điểm, Chương trình nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng; đã và đang thực hiện 60 đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc Quỹ phát triển KHCN Quốc gia; 4 đề tài hợp tác với các bộ, ngành và cấp tỉnh/thành phố; gần 20 đề tài thuộc 7 hướng ưu tiên của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam; nhiều đề tài hợp tác quốc tế trong khuôn khổ Nghị định thư. Mỗi năm, Viện có khoảng 50 bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế.
Trong lĩnh vực đào tạo, PTNĐT cũng đã tạo được nền tảng quan trọng cho các hoạt động đào tạo và đào tạo nâng cao nguồn nhân lực của Viện. Ngoài ra, PTNĐT đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên làm luận án tốt nghiệp: sinh viên Cao học và nghiên cứu sinh diện phối hợp đào tạo giữa Viện KHVL và Đại học Osaka; sinh viên tốt nghiệp Đại học Công nghệ, Đại học KHTN, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thái Nguyên... Nhiều thiết bị, cơ sở hạ tầng của PTNĐT đã là nơi thực hành tham quan học tập của nhiều đoàn cán bộ, sinh viên trong cả nước.
- Ông có thể cho biết rõ thêm về một số đề tài đã được ứng dụng trong thực tế đem lại hiệu quả kinh tế cao?
- Viện KHVL là cơ sở nghiên cứu hàng đầu trong nước về khoa học vật liệu, đồng thời đã chú trọng thích đáng công tác nghiên cứu và phát triển công nghệ vật liệu, triển khai ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Kết quả nổi bật trong nghiên cứu phát triển công nghệ của Viện KHVL được ghi nhận với 4 giải thưởng VIFOTEC, 1 cúp vàng tại Techmart và một số Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Viện đã thực hiện được nhiều hợp đồng kinh tế - kỹ thuật, với giá trị kinh tế hàng năm đạt gần chục tỷ đồng. Các hợp đồng kinh tế-kỹ thuật đã thực hiện đều dựa trên các kết quả nghiên cứu của Viện, trong đó có một số hợp đồng không những mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần bảo đảm an ninh kinh tế quốc gia, giúp các cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng lực cạnh tranh, như: phổ kế huỳnh quang tia X hoàn chỉnh dùng trong phân tích vàng, bạc (thiết bị này đã được sử dụng rộng rãi trong cả nước) và đang được nghiên cứu nhằm ứng dụng trong công nghiệp xi măng; hỗ trợ đo kiểm và phân tích công nghệ giúp cải thiện chất lượng đèn huỳnh quang Rạng Đông; vật liệu anot hy sinh sử dụng trong công nghiệp đóng tàu, bảo vệ công trình biển; vật liệu và công nghệ chế tạo hợp kim có tính năng đặc biệt (chịu mài mòn, ăn mòn); dịch vụ phân tích đánh giá tính chất vật liệu của Viện hiện đang được hàng trăm cơ sở công nghiệp trên cả nước tin tưởng và sử dụng. Hoạt động nghiên cứu công nghệ của Viện đã được các đối tác nước ngoài quan tâm đặt hàng hợp tác nghiên cứu.
- Trong thời gian tới, Viện mong muốn nhận được sự hỗ trợ gì từ phía Nhà nước?
- Với kinh phí đầu tư khoảng 3,5 triệu USD, Viện KHVL đã xây dựng được PTNĐT với các hệ thiết bị khá đồng bộ và hiện đại, tuy nhiên cho đến nay (khoảng 10 năm kể từ khi đầu tư), một số trang thiết bị của PTNĐT đã lạc hậu so với thực trạng khoa học hiện đại, hoặc bị già hóa theo thời gian.
Do vậy, Viện KHVL mong muốn được nâng cấp các thiết bị của PTNĐT, đây được xem như là giai đoạn 2 của PTNĐT và có thể gọi là Objective Lab. Trong giai đoạn này, Phòng thí nghiệm sẽ tập trung vào 1 số lĩnh vực cụ thể như: năng lượng, vật liệu nano cho nông - y - sinh và vật liệu ứng dụng cho xử lý môi trường.
- Sắp tới, ngày KHCN Việt Nam (18.5) lần đầu tiên sẽ được tổ chức, Viện có những hoạt động gì để hưởng ứng sự kiện trên?
- Ngày KHCN Việt Nam sẽ là một ngày trọng đại cho các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học. Hưởng ứng sự kiện trên, Viện có tổ chức nhiều hoạt động quan trọng như tuyên truyền quảng bá về ngày KHCN, trưng bày các sản phẩm KHCN nổi bật, tiêu biểu nhất là tuần lễ mở cửa các phòng thí nghiệm trọng điểm đón tiếp học sinh, sinh viên và những người quan tâm đến khoa học và công nghệ đến thăm quan, giao lưu với các nhà khoa học. Việc tổ chức thành công ngày KHCN đầu tiên trên đất nước ta sẽ là nguồn động viên, khích lệ đối với các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ để KHCN đi vào cuộc sống, sản xuất kinh doanh của toàn dân; KHCN phải gần gũi, thiết thực với người dân, tạo điều kiện để mọi người trong điều kiện của mình có thể tham gia hoạt động khoa học công nghệ, ủng hộ phát triển KHCN; đưa KHCN góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
- Xin cám ơn Ông!