Làm từ thiện không phải để được vinh danh…
Thời đại công nghệ thông tin, chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính, tra google “năm 2012 doanh nhân làm từ thiện như thế nào”, chắc hẳn bạn vẫn luôn nhận được đầy ắp những thông tin cần thiết, từ số liệu cụ thể đến con người cụ thể, địa chỉ cụ thể, từ cách thức từ thiện đến cách làm từ thiện… Còn đối với những người nông dân, dù xa xôi mấy thì sự đổi thay của những người bạn nghèo quanh xóm, quanh thôn nhờ được sự hỗ trợ từ những tấm lòng hảo tâm mới là thực tế…
Suốt 10 năm nay, doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Hương - Khánh Hòa luôn tích cực với công tác từ thiện, mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình nghèo, nhiều cụ già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em nghèo hiếu học… với số tiền lên tới hàng… đồng, nhưng chị lại rất khiêm tốn khi nói “tôi làm từ thiện không phải để được vinh danh mà chỉ muốn giúp đỡ người nghèo và các cháu học sinh nghèo học giỏi”.
Nữ doanh nhân say mê làm từ thiện với bề dày gần chục năm, gắn với từng chương trình, từng quỹ học bổng, quỹ tấm lòng nhân ái phải kể đến Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Bảo hiểm AAA Đỗ Thị Kim Liên. Không chỉ lãnh đạo tốt một doanh nghiệp, bà Liên đã cùng tập thể AAA luôn miệt mài với công tác từ thiện. Chỉ riêng trong năm 2012, thay mặt cho Công ty Bảo hiểm AAA, bà đã tài trợ 1,2 tỷ đồng cho Quỹ học bổng Vừ A Dính với dự án xây trường học cho trẻ em dân tộc thiểu số… Rồi, hàng năm, cứ vào dịp Quốc khánh nước Cộng hòa Nam Phi, với tư cách là Lãnh sự Danh dự Cộng hòa Nam Phi tại TP Hồ Chí Minh, bà đã trở thành thành viên thường xuyên của chương trình “Ước mơ của Thúy” do báo Tuổi Trẻ tổ chức nhằm động viên khích lệ tinh thần cho các bệnh nhi ung bướu tại TP Hồ Chí Minh.
Những con số đáng ghi nhận
Không chỉ những “ông chủ lớn” làm từ thiện. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tuy có tới hơn 90% là vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nhưng tấm lòng, tình cảm đối với người nghèo thì không có giới hạn. Ngay cả mỗi con người bình dị, với đồng lương hưu tích cóp cả cuộc đời lao động cũng không tằn tiện khi làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo.
Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, năm 2012 tuy nền kinh tế có nhiều thách thức, khó khăn, nhưng số tiền ủng hộ Quỹ Vì người nghèo đạt gần 1.500 tỷ đồng, ủng hộ chương trình An sinh xã hội trên 5.900 tỷ đồng (tổng cộng được hơn 7.400 tỷ đồng). Từ nguồn ủng hộ này, đã xây dựng và sửa chữa 84.900 căn nhà dột nát cho hộ nghèo, hỗ trợ xây dựng hàng nghìn công trình dân sinh và hàng triệu hộ nghèo được giúp đỡ, hỗ trợ khám chữa bệnh, học tập, phát triển sản xuất, được tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán...
Doanh nghiệp giúp thoát nghèo bền vững
Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27.12.2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo cũng xác định vai trò của doanh nghiệp, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong việc đỡ đầu, tài trợ cho ít nhất một huyện nghèo. Đây cũng là thời điểm nhìn lại 3 năm thực hiện Nghị quyết 30a, với những cái được căn bản: nhiều gia đình, địa phương đã cơ bản thoát nghèo!
Điểm danh sách tên các tập đoàn, doanh nghiệp hỗ trợ 62 huyện nghèo trên toàn quốc, thấy nổi lên những doanh nghiệp tình nguyện nhận giúp đỡ cùng lúc nhiều huyện nghèo, như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN nhận giúp đỡ 6 huyện, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN 5 huyện, Tổng công ty CN xi măng VN 4 huyện, Ngân hàng Phát triển VN 4 huyện, Tập đoàn Điện lực VN 3 huyện, nhiều doanh nghiệp nhận đỡ đầu 1-2 huyện… 3 năm qua, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tuy không trực tiếp cùng chính quyền huyện Mèo Vạc thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, nhưng cũng đã chuyển 76 tỷ đồng cho Mèo Vạc triển khai xóa nhà tạm và phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 30a. Riêng trong năm 2012, Vinacomin cũng đã chuyển 33 tỷ đồng và dự kiến năm 2013 cũng sẽ góp khoảng hơn 30 tỷ đồng xóa đói giảm nghèo cho huyện vùng cao Mèo Vạc của Hà Giang.
…
Giàng Mí Già 40 tuổi, một người dân thuộc thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang thuộc diện được xóa nhà tạm và hỗ trợ bò giống để chăn nuôi phát triển kinh tế, nhờ Chương trình 30a của Chính phủ cho biết: trước đây nhà có 5 miệng ăn, cả năm chỉ trông chờ vào một vụ ngô. Căn nhà tạm vừa dột mái vừa trống trải gió lùa không đủ che mưa che nắng. Mùa đông, cái lạnh thấu xương. Giờ thì khác rồi, “gia đình được xóa nhà tạm được gần năm rồi. Tết này yên tâm ăn Tết thôi. Nhà đang có 2 con bò thì một con được hỗ trợ giống, với 2 con lợn nữa... bây giờ thì thoải mái rồi, không phải lo nhà cửa nữa” - Giàng Mí Già vui vẻ khoe với Bí thư Huyện ủy Đồng Văn Sùng Đại Hùng trong buổi lễ sơ kết 3 năm thực hiện chính sách 30a.
Ông Sùng Đại Hùng khẳng định, 3 năm qua Đồng Văn đã xóa được gần 3.000 nhà tạm và giảm được 7% tỷ lệ hộ nghèo trong điều kiện địa hình khó khăn, trình độ dân trí và xuất phát điểm chung còn thấp là nhờ có chương trình 30a và sự hỗ trợ trực tiếp của doanh nghiệp là Công ty Xăng dầu Hà Giang và Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Nhìn lại sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo trên cả nước cho thấy, Nghị quyết 30a đang thực sự là cơ hội vàng, tạo sức bật để các huyện nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Bộ mặt nhiều huyện nghèo đã đổi thay đáng kể, từ cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường giao thông, trường học, bệnh viện… đến cách thức làm ăn kinh tế của từng hộ dân.
Hàng trăm nghìn hộ nghèo trên cả nước đã được bày mâm cỗ Tết trong ngôi nhà kiên cố, ấm cúng. Và tương lai, những căn nhà dột sẽ được xóa hết. Cùng với đó, cách thức làm ăn mới cho kinh tế phát triển ấm no dư dả hơn… Ngoài nguồn vốn từ ngân sách, không thể không nhớ tới tấm lòng, trách nhiệm của những doanh nghiệp, doanh nhân và mỗi tấm lòng hảo tâm…