Tại hội nghị, Phó tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Quang Vinh nêu 6 nội dung lớn liên quan trực tiếp tới hoạt động thanh tra, kiểm tra KBNN thuộc Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.
Đó là đổi mới phương thức kiểm soát chi NSNN theo hướng từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra thông qua môi trường số và hệ thống thông tin. Kiện toàn hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phát triển chức năng kiểm soát rủi ro. Thực hiện kiểm toán nội bộ KBNN.
Cùng với đó là xác định trọng tâm, trọng điểm thanh tra KBNN trên cơ sở đánh giá rủi ro và mức độ phát triển chức năng kiểm toán nội bộ tại các bộ, ngành, địa phương. Tư vấn, hỗ trợ việc phát triển chức năng kiểm toán nội bộ về tài chính – ngân sách tại các bộ, ngành, đơn vị sử dụng ngân sách và các địa phương.
Để hoàn thành được 6 nội dung chiến lược nêu trên, cùng với triển khai đồng bộ các công việc liên quan đến Luật Thanh tra sửa đổi, lãnh đạo KBNN đã chỉ đạo Vụ Thanh tra – Kiểm tra dự thảo định hướng công tác thanh tra, kiểm tra KBNN đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 để xác định lộ trình, cách làm, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng nội dung công việc.
Các đại biểu đã truyền đạt và trao đổi về các nội dung: định hướng công tác thanh tra, kiểm tra KBNN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; cảnh báo rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ KBNN; phương pháp phát hiện sai phạm, tồn tại, sai sót qua thanh tra, kiểm tra; hướng dẫn triển khai kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong hệ thống KBNN; hướng dẫn khai thác thông tin, dữ liệu trên Kho dữ liệu và tiện ích tra cứu hồ sơ Dịch vụ công trực tuyến phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra…
Phát biểu bế mạc, Tổng giám đốc đề nghị Giám đốc KBNN các tỉnh, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị thuộc KBNN phải xác định đổi mới, hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống KBNN là yêu cầu cấp thiết; cải cách, đổi mới để hướng tới mục tiêu hiệu lực, hiệu quả trong thanh tra, kiểm tra, chủ động phòng ngừa rủi ro, nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ KBNN các cấp.
Đồng thời, quan tâm, bổ sung, bố trí đầy đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra. Chú trọng hơn nữa đến công tác tổ chức cán bộ khi sắp xếp vị trí việc làm thanh tra, kiểm tra trong hệ thống KBNN theo hướng ưu tiên điều động, luân chuyển công chức đã được quy hoạch từ các đơn vị chuyên môn qua làm công tác thanh tra, kiểm tra để tạo nguồn công chức có chất lượng và là điều kiện ưu tiên khi xem xét điều động, bổ nhiệm.
Tổng giám đốc KBNN cũng yêu cầu hệ thống kho bạc bám sát nội dung Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 và Luật Thanh tra sửa đổi, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Thanh tra và các văn bản liên quan. Trên cơ sở đó rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống thanh tra, kiểm tra KBNN đảm bảo phù hợp, có tính ổn định lâu dài.
Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm hay của quốc tế để xác định mô hình kiểm toán nội bộ trong hệ thống KBNN, từng bước xây dựng khung quản lý rủi ro trong hoạt động KBNN, tập trung vào nội dung trọng yếu có rủi ro cao để phòng ngừa, đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động KBNN.