Kiểm soát chi hơn 418.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm
Từ đầu năm đến nay, KBNN đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các KBNN địa phương tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước.
Báo cáo của KBNN cho biết, đến ngày 30.4.2024, luỹ kế thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 727.426 tỷ đồng, bằng 42,76% dự toán. Trong đó, thu nội địa (không kể dầu thô) là 621.722 tỷ đồng, bằng 43,04% dự toán; thu từ dầu thô là 18.970 tỷ đồng, bằng 41,24% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu (trong đó đã trừ 38.067 tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng) là 86.673 tỷ đồng, bằng 42,49% dự toán.
Về kiểm soát chi, toàn hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát chi bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định; cung cấp số liệu giải ngân hàng ngày cho Bộ Tài chính, lãnh đạo cấp ủy chính quyền địa phương phục vụ kịp thời công tác quản lý điều hành ngân sách nhà nước. Đồng thời, KBNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước cũng như nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, KBNN đã kiểm soát chi 418.142 tỷ đồng. Cụ thể, theo báo cáo của KBNN, dự toán chi thường xuyên giao năm 2024 là 1.269.039 tỷ đồng, không bao gồm số tạm ứng và dự toán từ năm trước chuyển sang. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4.2024, toàn hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát ước đạt 307.125 tỷ đồng, bằng 24,2% dự toán chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách nhà nước qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).
Cũng đến hết tháng 4.2024, luỹ kế thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 là 111.017 tỷ đồng, bằng 16,9% kế hoạch Thủ tướng giao kiểm soát chi qua KBNN (kế hoạch là 657.601 tỷ đồng), bằng 15,9% kế hoạch vốn Thủ tướng giao và UBND tỉnh giao thêm kiểm soát chi qua KBNN (kế hoạch là 696.343 tỷ đồng). Trong đó, vốn trong nước thanh toán là 109.035 tỷ đồng, bằng 17,1% kế hoạch vốn Thủ tướng giao kiểm soát chi qua KBNN; bằng 16,1% kế hoạch vốn Thủ tướng giao và UBND tỉnh giao thêm kiểm soát chi qua KBNN; vốn ngoài nước kiểm soát, xác nhận qua KBNN là 1.982 tỷ đồng, bằng 9,9% kế hoạch Thủ tướng giao kiểm soát chi qua KBNN.
Tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đạt mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn năm 2024, thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp Thủ tướng đã nêu trong Công điện số 24/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Cụ thể, KBNN sẽ chỉ đạo hệ thống kho bạc tăng cường kiểm soát chi bảo đảm chặt chẽ trong phạm vi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao và đúng quy định của pháp luật. Hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các chủ đầu tư nhằm tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giao dịch thanh toán các khoản chi của ngân sách, nhất là các dự án đầu tư công với KBNN. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát chi ngân sách nhất là kiểm soát chi vốn đầu tư công nhằm quản lý dữ liệu kịp thời, phát sinh tại mọi thời điểm.
KBNN cũng sẽ phối hợp với Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cung cấp số liệu giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước theo yêu cầu phục vụ Đoàn công tác của Chính phủ, Thủ tướng làm việc với địa phương, qua đó nắm bắt tình hình giải ngân vốn đầu tư công để đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân.
Cùng với đó, toàn hệ thống KBNN sẽ thực hiện việc cung cấp thông tin, báo cáo tình hình thực hiện và số liệu giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm kịp thời, chính xác, đúng thời gian theo đúng quy của Bộ Tài chính; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá của các cấp có thẩm quyền; bảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả.
Trong văn bản đôn đốc giải ngân đầu tư công mới đây, Bộ Tài chính cũng đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp với nhà thầu để hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán gửi KBNN kiểm soát chi ngay sau khi đủ điều kiện tạm ứng vốn hoặc có khối lượng hoàn thành. Đối với các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài, các đơn vị khẩn trương gửi hồ sơ rút vốn tới Bộ Tài chính để thực hiện giải ngân theo quy định đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt.