Khi thông tư... cũng không thông !

Báo cáo “Chất lượng của Thông tư, công văn với hiệu quả của cải cách thể chế” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp vừa công bố cho thấy: Thông tư vẫn là điểm nghẽn trong tổ chức thi hành pháp luật.

Nghẽn... vì thông tư

Tính từ 1.1.2016 đến ngày 20.7.2020, số lượng thông tư chiếm hơn 68% tổng số lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ban hành. Quy trình ban hành thông tư ít minh bạch hơn nếu so sánh với quy trình ban hành của nghị định, luật, pháp lệnh. Việc soạn thảo và ban hành thông tư chủ yếu thực hiện giữa các đơn vị chuyên môn của bộ, trong khi các VBQPPL từ cấp nghị định trở lên, có sự tham gia của nhiều cơ quan Nhà nước khác nhau và có mức độ kiểm soát về chất lượng và tính minh bạch tốt hơn. Thông tư có một số giới hạn nhất định trong các quy định như: Không được ban hành điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính (TTHC); Chỉ được quy định chi tiết các điều, khoản, điểm tại các điều, khoản, điểm được giao tại các VBQPPL có giá trị pháp lý cao hơn…

Mặc dù, quy định cấm thông tư ban hành đăng ký kinh doanh từ năm 2005 và Chính phủ có đợt rà soát năm 2016 để loại bỏ các thông tư quy định đăng ký kinh doanh, nhưng đến nay vẫn không khó để tìm thấy các thông tư quy định về đăng ký kinh doanh trong hệ thống VBQPPL nước ta.

Khi thông tư... không thông -0
Dự thảo Thông tư hướng dẫn về ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm đang nhận được nhiều ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp vì chưa tiệm cận với các thông lệ quốc tế

Thực tế, có những thông tư ban hành đăng ký kinh doanh “công khai”, như : Thông tư 03/2018/TT-NHNN quy định điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô; có những thông tư lại ban hành đăng ký kinh doanh ở dạng “ẩn”, lồng ghép trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điển hình: Thông tư 78/2021/TT-BTC quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ nhận truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử… Thậm chí có những thông tư quy định vượt phạm vi uỷ quyền, hoặc không được uỷ quyền, chẳng hạn Thông tư 38/2014/TT-BTC, TT 60/2021/TT-BTC quy định chi tiết về tài liệu trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thẩm định giá trong khi NĐ 89/2012/NĐ-CP, NĐ 12/2021/NĐ-CP, Luật giá không ủy quyền.

Phó Tổng Thư ký - Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nêu thực tế, mặc dù các văn bản cấp luật, nghị định có tinh thần tiến bộ rất rõ, nhưng khi xuống đến đến thông tư, công văn lại nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc, khiến tính cải cách của chính sách không phát huy trên thực tế.

Không chỉ nâng cao chất lượng văn bản

Thực tế cho thấy, so với quy trình xây dựng luật, nghị định thì quy trình xây dựng thông tư đơn giản hơn. Chẳng hạn việc thẩm định thông tư do tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Chính vì thế, việc đánh giá tác động chưa thật sự tương xứng với ý nghĩa thông tư là mắc xích cuối cùng đưa pháp luật đến cuộc sống. Cùng không hiếm thông tư chưa được đại diện hiệp hội, doanh nghiệp … để ý tới, do họ chưa có cơ hội đóng góp ý kiến, và khi có ý kiến đóng góp rồi cũng không rõ có được tiếp thu hay không? Tiếp thu ở mức độ nào?

Khi thông tư... không thông -0
Minh bạch cơ chế lấy ý kiến và phản hồi ý kiến dự thảo văn bản

Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp Chu Thị Hoa cho rằng, giải pháp đầu tiên cũng là giải pháp quan trọng nhất là các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tuân thủ đúng và đầy đủ các nguyên tắc, quy chuẩn, quy trình ban hành VBQPPL được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020. Trong đó, cần ưu tiên đầu tư cho công tác phân tích, đánh giá tác động chính sách trong quy trình xây dựng VBQPPL. Giai đoạn xây dựng chính sách (bao gồm hoạch định chính sách, phân tích chính sách, đánh giá tác động chính sách) nên được xác định là khâu trọng yếu trong quá trình xây dựng pháp luật.

Tuy vậy, ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Nguyễn Hồng Uy đề xuất, cần có cơ chế để giám sát độc lập việc xây dựng văn bản pháp luật, bảo đảm sự độc lập giữa lập pháp và hành pháp, đơn cử, Trưởng ban biên soạn không nên là người của cơ quan thực thi – các bộ, ngành mà là của cơ quan độc lập như Bộ Tư pháp); đồng thời quy định trách nhiệm với những trường hợp đưa ra văn bản trái luật với văn bản được hướng dẫn.

Có thể thấy, cơ chế kiểm tra, giám sát chất lượng thông tư hiện nay đang là điểm nghẽn, mặc dù có rất nhiều luật, nghị định chỉ thực sự đi vào cuộc sống khi có thông tư hướng dẫn. Thực tế việc kiểm soát hiện tượng thông tư ban hành đăng ký kinh doanh, TTHC ngay từ luật, không để thông tư đẻ thêm điều kiện, quy định đã được đề cập tới trong nhiều năm qua, tuy nhiên đến nay vấn đề nay vẫn còn mang tính thời sự. Chính vì thế, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ nâng cao chất lượng văn bản với các yếu tố đầu vào như quan tâm hơn đến đội ngũ là công tác pháp chế, nguồn lực cho xây dựng văn bản thì cần chú trọng khâu lấy ý kiến dự thảo, có sự phản hồi ý kiến, không để tiếp diễn tình trạng thông tư vừa ban hành, doanh nghiệp đã kiến nghị hoặc doanh nghiệp góp ý dự thảo… nhưng lại rơi vào quên lãng.

Giải đáp pháp luật

Kịp thời, thống nhất và hiệu quả
Pháp luật

Kịp thời, thống nhất và hiệu quả

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp số 38/2024/QH15 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27.6.2024, có hiệu lực từ ngày 1.7.2025. Nhằm bảo đảm việc triển khai thi hành Luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả; các văn bản hướng dẫn Luật đang được gấp rút xây dựng và hoàn thiện.