Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, tính đến cuối năm 2021, số trẻ em từ 0 -16 tuổi trên địa bàn tỉnh là 209.787 em, chiếm 23,12 % so với dân số chung của tỉnh. Công tác triển khai thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 đã được UBND tỉnh Bạc Liêu cụ thể hóa bằng nhiều quyết định, văn bản và triển khai thực hiện đến cán bộ quản lý, giáo viên và cha mẹ trẻ đồng thời xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, môi trường cho trẻ đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần.
Do Bạc Liêu có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tập quán dân cư sinh sống khu vực ven sông còn nhiều, nhất là các vùng sâu, vùng xa, môi trường sống xung quanh trẻ em còn tiềm ẩn những nguy cơ không an toàn, ý thức chấp hành các quy định an toàn trong vận tải đường thuỷ của người dân chưa cao, vì thế hàng năm tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích còn xảy ra, đặc biệt là trẻ em bị đuối nước. Trước thực trạng trên, công tác phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em đã được triển khai khẩn trương và kịp thời.
Tỉnh đã triển khai xây dựng “Ngôi nhà an toàn” phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại các nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà ở của các cơ sở trợ giúp trẻ em, các trung tâm bảo trợ xã hội, trường học... đạt 23/33 tiêu chí. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan khảo sát mô hình Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại 7 xã điểm của 7 huyện. Tại các đơn vị triển khai thí điểm mô hình, cán bộ cấp xã, cộng tác viên tổ chức khảo sát các hộ gia đình có trẻ em dưới 16 tuổi về việc thực hiện mô hình ngôi nhà an toàn. Qua thời gian thực hiện thí điểm, mô hình đã giúp các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết các mối nguy hiểm xung quanh nhà và hạn chế thấp nhất các tai nạn thương tích có thể xảy ra với trẻ em.
Việc triển khai xây dựng Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em thường xuyên được tổ chức kiểm tra, đánh giá và kịp thời phát hiện, chỉ đạo khắc phục những yếu tố nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ, bồi dưỡng kiến chuyên môn, mời bác sĩ trực tiếp hướng dẫn tập huấn, sơ cứu ban đầu cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non. Toàn tỉnh hiện có 76 trường mầm non và 113 trường tiểu học đạt tiêu chuẩn “Trường học an toàn” về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Việc triển khai xây dựng Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em luôn được quan tâm, các sở, ban, ngành, mặt trận đoàn thể lồng ghép nội dung phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em vào các chương trình chương trình kiểm tra, giám sát tại địa phương, các khu vui chơi giải trí, điểm du lịch… nên tình hình tai nạn thương tích trẻ em không tăng cao, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 42 trường hợp trẻ em tử vong do bị đuối nước.
Thực hiện các giải pháp kiểm soát, giảm đuối nước trẻ em, giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em, nhất là kỹ năng an toàn trong môi trường nước và bơi an toàn cho trẻ em, hàng năm, ngành văn hoá tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em, trung bình mỗi năm tổ chức 2 lớp cho hơn 1.000 học viên là cán bộ, công chức, viên chức phòng văn hoá và thông tin, trung tâm văn hoá - thể thao các huyện, thị xã, thành phố, cán bộ phụ trách khối văn hoá - xã hội, bí thư, phó bí thư đoàn các xã, phường, thị trấn; giáo viên giáo dục thể chất tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, sinh viên trường đại học, cao đẳng, các hướng dẫn viên và chủ cơ sở kinh doanh hồ bơi trong tỉnh. Từ năm 2016 - 2022, toàn tỉnh đã tổ chức được 509 lớp bơi với hơn 12.000 trẻ em tham dự. Tổ chức vận động từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trao tặng 1.000 chiếc cặp phao học sinh, cứu sinh cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đi học trên các phương tiện đường thủy, đưa môn bơi vào nội dung thi đấu của Hội khoẻ Phù Đổng của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn hiện còn nhiều hạn chế, khó khăn. Việc phối hợp giữa các ngành ở địa phương chưa đồng bộ, lực lượng hướng dẫn viên luôn biến động, kinh phí và cơ sở vật chất còn thiếu, chưa triển khai sâu rộng việc đưa bộ môn bơi vào chương trình giảng dạy chính khoá và ngoại khoá cho học sinh do điều kiện cơ sở vật chất còn ít so với quy mô trường lớp, số lượng hồ bơi đạt tiêu chuẩn theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4260-2012 chỉ có 2 hồ, đội ngũ thực hiện nhiệm vụ công tác trẻ em đều kiêm nhiệm.
Đại diện UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nghiên cứu đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết chuyên đề về phòng chống đuối nước cho trẻ em; các bộ, ngành trung ương thống nhất các hướng dẫn nghiệp vụ cho địa phương, tiếp tục hỗ trợ, bổ sung kinh phí cho công tác truyền thông, vận động xã hội từ cấp tỉnh đến cơ sở và công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các quyền cơ bản của trẻ em. Đầu tư kinh phí cho địa phương nhằm thực hiện nâng cao năng lực, tuyên truyền đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để cán bộ các tại địa phương, gia đình, trẻ em được tiếp cận, nắm bắt công tác phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Tăng tiền hỗ trợ kinh phí cho các cán bộ, cộng tác viên, giáo viên trực tiếp tham gia công tác phòng chống đuối nước cho trẻ.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đánh giá cao báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu cũng như huyện Vĩnh Lợi, xã Châu Thới trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn; ghi nhận nỗ lực của cả hệ thống với kết quả rất đáng kích lệ. Các đại biểu cũng chỉ ra, báo cáo của tỉnh, huyện xã đều cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em do đuối nước là do nhận thức của gia đình chưa đầy đủ, một số gia đình còn khó khăn nên phụ huynh lo làm kinh tế gia đình, không dành thời gian chăm sóc, giáo dục trẻ em nhưng trong phần kiến nghị, phương hướng triển khai chưa thấy nhắc đến các giải pháp khắc phục.
Với “điểm nghẽn” thiếu kinh phí để vận hành cơ sở vật chất, hồ bơi đã được đầu tư, các địa biểu chia sẻ, Sở LĐ-TB và XH tỉnh có thể nghiên cứu đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương và trình HĐND tỉnh ban hành quy định về việc thu phí ở các hồ bơi để duy trì vận hành các hồ bơi nếu trẻ muốn sử dụng dịch vụ hồ bơi ngoài giờ tập theo quy định. Do đặc điểm địa lý kênh rạch sông ngòi chằng chịt, cơ quan chức năng cần cắm biển báo cảnh báo ở những nơi nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý giám sát trẻ.
Các đại biểu cũng lưu ý, số trẻ em tử vong đuối nước trong giai đoan 2016-2020 của tỉnh tuy ít nhưng thời gian gần đây có nguy cơ gia tăng nên cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là truyền thông trực tiếp tới các gia đình, quan tâm dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho các em.
Thay mặt Đoàn công tác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ ghi nhận các đề xuất của địa phương; đề nghị Bạc Liêu tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý và đơn vị thực hiện cũng như công tác giám sát, đẩy mạnh hơn vai trò của các đoàn thể, như thanh niên, phụ nữ, cộng tác viên, giáo viên dạy bơi... Quan tâm bố trí nguồn lực, tăng thêm kinh phí cho công tác viên, giáo viên dạy bơi, đầu tư các khu vui chơi giải trí công cộng cho trẻ em...
Dịp này, Đoàn công tác đã khảo sát các điểm dạy bơi ở trường THCS Ngô Quang Nhã (xã Châu Thới), hồ bơi huyện Vĩnh Lợi và làm việc với UBND huyện Vĩnh Lợi. Tại đây, đoàn tặng quà Trường THCS Ngô Quang Nhã.