Tại cuộc làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Chánh Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ cho biết, việc Việt Nam nói chung và Bộ Công an Việt Nam nói riêng cử lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ đến nay đã đem lại những đóng góp quan trọng thực chất cho việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

Xây dựng Luật Tham gia lực lượng GGHB LHQ nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ; kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy định hiện hành; nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm hợp lý chế độ, chính sách; rút ngắn quy trình, thủ tục pháp lý trong việc cử, điều chỉnh, gia hạn nhiệm kỳ công tác, rút lực lượng, nhất là lực lượng trong trường hợp khẩn cấp; xử lý những vấn đề phát sinh tại địa bàn.

Theo Đại tá Lê Quốc Huy, Đại diện Văn phòng thường trực về GGHB LHQ, Bộ Công an, buổi làm việc hôm nay là sự kiện quan trọng giúp đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật; thu thập, cung cấp tài liệu thông tin để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu trong quá trình báo cáo Ủy ban Thường vụ quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tham gia lực lượng GGHB LHQ để trình Quốc hội trong kỳ họp vào tháng 5.2025.

Báo cáo kết quả công tác tham gia hoạt động GGHB LHQ thời gian qua của Bộ Công an, Đại tá Lê Quốc Huy cho biết, với vai trò là đơn vị thường trực, đầu mối trong triển khai Đề án Công an nhân nhân dân tham gia hoạt động GGHB LHQ, Văn phòng Thường trực đã chủ động tham mưu, đề xuất Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an thực hiện có hiệu quả Đề án Tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ được Bộ Chính trị thông qua.

Về hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực GGHB LHQ: Nghiên cứu, đề xuất Lãnh đạo Bộ phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng Luật Tham gia lực lượng GGHB LHQ (dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5.2025); Sửa đổi, bổ sung Nghị định 162/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ chính sách đối với tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động GGHB LHQ.


Công tác hợp tác quốc tế, chủ động tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an, mời Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách về gìn giữ hòa bình; Tư lệnh cảnh sát LHQ vào làm việc với Bộ Công an về lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ... Qua đó, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình.
Về công tác xây dựng lực lượng, tổ chức tuyển chọn từ Công an các đơn vị, địa phương được nguồn cán bộ chiến sĩ đủ năng lực, trình độ phẩm chất, chuyên môn; đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn của LHQ theo hình thức cá nhân và đơn vị. Các sĩ quan của Bộ Công an đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Công tác đào tạo, huấn luyện, đề xuất lãnh đạo Bộ phê duyệt chương trình đạo tạo, huấn luyện đối với hình thức cá nhân và đơn vị theo tiêu chuẩn của LHQ; Xây dựng đội ngũ giảng viên theo tiêu chuẩn của LHQ và chủ động công tác đào tạo, huấn luyện...
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về việc Công an nhân dân tham gia hoạt động GGHB LHQ được đẩy mạnh.





Đánh giá cao những kết quả tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ của lực lượng CAND, Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Trưởng đoàn khảo sát nhận định, đây là kết quả đến từ nhận thức trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu huấn luyện, tập huấn, diễn tập… của cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, chia sẻ những khó khăn, thách thức của lực lượng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ.



Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cũng nêu rõ, cuộc khảo sát giúp Đoàn có thêm những thông tin hữu ích, thiết thực để Ủy ban hoàn thiện việc thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý tốt nhất cho thực hiện nhiệm vụ và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Cũng tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát và các đại biểu tham quan triển lãm phương tiện, trang thiết bị của FPU; cơ sở vật chất Trung tâm đào tạo; đặc biệt là màn diễn tập tác chiến sẽ theo đúng tiêu chuẩn, quy định của LHQ, luật pháp quốc tế về các mức độ sử dụng vũ lực, kỹ năng đàm phán và ngôn ngữ giao tiếp, đàm phán là tiếng Anh.