Ký ức hào hùng

Trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước (30.4.1075 – 30.4.2025), cựu chiến binh thuộc Quân đoàn 1 – Binh đoàn Quyết thắng đã có dịp về thăm lại chiến trường xưa, ôn lại quá khứ hào hùng chiến đấu, tiêu diệt quân địch tại căn cứ Phú Lợi xưa, nay là Sở Chỉ huy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương.
Bồi hồi nhớ lại những ký ức cách đây 50 năm, Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 1, Trưởng Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Quân đoàn 1 cho biết, ngày 24.10.1973, Quân đoàn 1- Binh đoàn Quyết thắng, một trong những binh đoàn chủ lực, cơ động đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập, đáp ứng yêu cầu chiến lược của cách mạng miền Nam trong giai đoạn cao trào của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn nhận nhiệm vụ tiến công từ hướng Bắc Sài Gòn. Nhiệm vụ đầu tiên của Quân đoàn là bao vây tiêu diệt địch tại căn cứ Phú Lợi.
Nơi đây có tiểu đoàn bảo an và cảnh sát ngụy với hơn 300 quân cố thủ, việc chiếm đánh căn cứ này vô cùng khó khăn bởi hàng chục lớp hàng rào dây thép gai bao quanh. Thế nhưng, trinh sát của ta chỉ phát hiện 9 hàng rào, bộ đội dùng hết bộc phá vẫn chưa thể phá xong. Khi mở được hàng rào, địch dùng 2 xe tăng chặn lại, buộc phải điều thêm hỏa lực, pháo 85 bắn áp chế.
Cựu chiến binh Đào Văn Cai, nguyên Đại đội phó chỉ huy Đại đội 2, Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 186, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 nhớ lại, ngày 29.4.1975, đơn vị nhận lệnh kéo pháo vào khu vực căn cứ để bắn phá. Anh em phải dùng cuốc, xẻng, sức người kéo pháo trên đường ruộng. Rạng sáng 30.4, pháo mới vào được trận địa.
Đến 5h15p, lệnh nổ pháo được ban ra. Sau 30 phút chiến đấu, đơn vị dùng pháo 85 bắn thẳng vào mục tiêu. Khi hết cơ số đạn, bộ binh và xe tăng đồng loạt xung phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
“Việc chiếm lĩnh căn cứ vô cùng khó khăn, đường sá toàn đường ruộng, anh em phải dùng cuốc xẻng để đưa pháo vào. Pháo 85 bắn thẳng, cự ly 900m, tối vào tiếp cận thì gần, nhưng ban ngày lộ diện ngay trước mặt địch. May mắn thay, lực lượng bộ binh, xe tăng và các binh chủng hợp thành đã nhanh chóng, gọn gàng chiếm lĩnh trận địa, giải quyết dứt điểm căn cứ Phú Lợi”, ông Cai bồi hồi nhớ lại.
Bên cạnh việc chiến đấu, chiếm lĩnh căn cứ Phú Lợi, Quân đoàn 1 còn nhận nhiệm vụ bao vây, tiêu diệt, ngăn chặn Sư đoàn 5 ngụy từ Lai Khê (Bàu Bàng) và tiến công đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Bộ Tư lệnh các binh chủng ngụy ở Gò Vấp, Bình Thạnh.

Thiếu tá Lê Viết Viên, Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 cho biết, để thực hiện nhiệm vụ này, đầu tiên Quân đoàn 1 phải mở cửa, đánh Bình Cơ, Bình Mỹ, tiêu diệt Tiểu đoàn bảo an 306 ngụy, một đơn vị khét tiếng tàn ác.
Đúng 8h sáng ngày 26.4.1975, thực hiện mệnh lệnh, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 141, cùng Tiểu đoàn 1 bộ đội địa phương Bình Dương nổ súng. Sau một giờ chiến đấu, hai tiểu đoàn bảo an ngụy bị tiêu diệt và tan rã, mở cửa cho toàn bộ Quân đoàn 1 thọc sâu trên đường 16, tiến vào Sài Gòn.
Đến sáng 30.4, Sư đoàn 5 ngụy ở Lai Khê bị đánh, rút chạy qua Bến Cát, tiến về Sài Gòn. Đơn vị tiếp tục nhận lệnh tấn công, làm chủ Lai Khê, ngăn chặn đường tiến của địch. Sau đó, một lực lượng của Trung đoàn tiến về Sài Gòn làm nhiệm vụ diễu binh.

Thiếu tá Viên kể lại, ngày 25.3.1975, đơn vị hành quân từ miền Bắc và đến Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) ngày 15.4.1975, trên đường đi, ai cũng tự nhủ, ra đi để tiến sâu, tiến xa, giành toàn thắng. Sau đó lại nhận được mệnh lệnh thần tốc, thần tốc, táo bạo, táo bạo, từng giờ, từng phút. Những khẩu hiệu ấy tạo nên khí thế mạnh mẽ trong toàn lực lượng.
Trong quá trình di chuyển, các chiến sĩ luôn được nhắc nhở phải táo bạo, quyết đoán để quyết thắng. Khi vào chiến dịch rất ác liệt, nhưng tất cả đều quyết tâm giành chiến thắng.
“Trưa ngày 30.4.1975 giành được thắng lợi mừng khôn xiết, lúc đó chúng tôi chỉ mong được báo tin cho gia đình biết rằng mình vẫn còn sống và đang ở Bình Dương”, thiếu tá Lê Viết Viên xúc động kể lại.
Phát triển mạnh mẽ sau 50 năm

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 1, Trưởng Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Quân đoàn 1 nhấn mạnh, để giành chiến thắng tại các căn cứ ở tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương), đơn vị đã thực hiện đúng phương châm "tấn công và nổi dậy".
Lực lượng chủ lực, nòng cốt tấn công là Quân đoàn 1 đã phối hợp chặt chẽ với sự nổi dậy của nhân dân địa phương và các lực lượng vũ trang tại chỗ. Đặc biệt, ấn tượng sâu sắc trong ông là sự giúp đỡ tận tình của người dân dành cho bộ đội.
“Khi bộ đội tiến công vào, má Sáu Ngẫu (cụ bà Nguyễn Thị Sáu - người có công lớn với cách mạng) đã chủ động mời bộ đội vào nhà, chỉ dẫn đường đi, hướng tiến công thế nào thuận lợi, thông báo vị trí địch đóng quân để tránh thương vong, ân cần dặn dò. Điều đó đã cho thấy lòng Nhân dân Bình Dương luôn hướng về cách mạng, gắn bó máu thịt với bộ đội và lực lượng vũ trang. Những hình ảnh ấy khiến chúng tôi rất xúc động”, Trung tướng Sơn nhớ lại.
Sau 50 năm trở lại, những người cựu binh giải phóng năm xưa chứng kiến Bình Dương đã thay da đổi thịt, phát triển thần tốc với hàng loạt khu công nghiệp hiện đại, hạ tầng giao thông chất lượng.

Ông Nguyễn Bá Bồng, cựu chiến binh Quân đoàn 1, người từng tham gia trận đánh ở Lái Thiêu chia sẻ, sau chiến tranh, ông đã có 4 lần trở lại Bình Dương, giờ đây, đất nước nói chung và Bình Dương nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc, đó là niềm tự hào lớn lao của những người lính năm xưa, những người đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá Nguyễn Đình Chuẩn, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc tới các cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 nói chung và những người con quê hương các tỉnh miền Bắc, miền Trung nói riêng đã anh dũng hy sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và những cán bộ chiến sĩ đã chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập tự do của dân tộc, vì cuộc sống bình yên của thế hệ hôm nay và mai sau.