Khi một đợt cao điểm được phát động, nó thường gắn với những thời điểm đặc biệt như trước, trong và sau Tết Nguyên đán, các kỳ nghỉ lễ lớn, hoặc trước các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của đất nước. Đây là lúc mà nhu cầu đi lại, giao thương, tập trung đông người gia tăng, kéo theo nguy cơ phát sinh tội phạm cũng tăng theo. Vì vậy, việc triển khai lực lượng, phương tiện và các biện pháp nghiệp vụ một cách đồng bộ là điều cần thiết để ngăn chặn từ sớm, từ xa các loại tội phạm, tạo môi trường an toàn cho người dân yên tâm sinh sống và lao động.

Mục tiêu sâu xa của mỗi đợt cao điểm không chỉ là bắt giữ hay xử lý các loại tội phạm, mà còn tạo những chuyển biến cơ bản trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về công tác phòng, chống tội phạm. Khi lực lượng chức năng đồng loạt ra quân, không khí cảnh giác được nâng cao; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trở nên chặt chẽ hơn, thì hiệu quả đấu tranh cũng được nhân lên. Điều đó góp phần củng cố thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân, tạo thế chủ động trong mọi tình huống.

Bên cạnh ý nghĩa thực tiễn về mặt an ninh, các đợt cao điểm còn mang tính giáo dục sâu sắc. Việc xử lý nghiêm minh, công khai các đối tượng vi phạm pháp luật là lời cảnh tỉnh, răn đe đối với những ai đang có ý định phạm tội hoặc tiếp tay cho tội phạm; đồng thời, đó cũng là dịp để khơi dậy tinh thần trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong việc tham gia bảo vệ an ninh trật tự, bởi sự bình yên không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng công an, mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Trong toàn bộ quá trình tổ chức và triển khai các đợt cao điểm, vai trò của người đứng đầu đơn vị, địa phương có ý nghĩa quyết định. Một kế hoạch dù hoàn hảo đến đâu nhưng nếu thiếu sự lãnh đạo sát sao, quyết liệt, thì cũng khó đạt được hiệu quả như mong đợi. Người đứng đầu không chỉ là người đưa ra chủ trương, định hướng mà còn phải trực tiếp theo dõi, kiểm tra, giám sát, điều chỉnh kịp thời các biện pháp thực hiện và là người chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả của đợt cao điểm, cả về mặt thành tích lẫn những vấn đề phát sinh nếu có.
Thực tiễn tại tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua cho thấy, Công an tỉnh đã tổ chức và triển khai các đợt ra quân tấn công, trấn áp tội phạm một cách đồng bộ, quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương đã đồng loạt ra quân với tinh thần khẩn trương, chủ động, thể hiện rõ quyết tâm giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Mỗi đợt cao điểm đều được xây dựng kế hoạch cụ thể, sát với tình hình thực tế, bám sát các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Công tác trinh sát, nắm tình hình được đẩy mạnh, góp phần phát hiện sớm, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm hình sự nổi lên như trộm cắp, cướp giật, ma túy, tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", cờ bạc, cho vay nặng lãi…
Đáng chú ý, trong quá trình ra quân, Công an Bình Thuận không chỉ tập trung vào trấn áp tội phạm hình sự mà còn tăng cường kiểm tra hành chính, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, quản lý cư trú, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao… Qua đó, góp phần tạo thế chủ động toàn diện trên mọi mặt trận phòng, chống tội phạm đảm bảo ANTT.
Một trong những điểm sáng trong các đợt cao điểm tại Bình Thuận là sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng công an và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương. Hệ thống chính trị cơ sở được huy động mạnh mẽ, các tổ chức quần chúng như lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở… đều tham gia tích cực, đóng góp quan trọng trong việc cung cấp tin báo, hỗ trợ lực lượng chức năng truy bắt tội phạm và tuyên truyền pháp luật cho người dân.
Ngoài ra, trong các đợt ra quân còn thể hiện được vai trò nòng cốt của lực lượng công an cơ sở, trong việc bám địa bàn, sâu sát quần chúng, giữ ổn định tình hình từ gốc. Trong những năm gần đây, khi lực lượng công an chính quy được bố trí về xã, vai trò này càng được phát huy mạnh mẽ, giúp công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm được thực hiện hiệu quả, nhanh chóng và sát thực tiễn hơn.
Hiệu quả của các đợt ra quân không chỉ thể hiện ở số lượng vụ án được triệt phá, số đối tượng bị bắt giữ, mà quan trọng hơn là tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo sự yên tâm trong nhân dân. Hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân chủ động, bản lĩnh, gần dân, vì dân đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng quần chúng.