Đó là thông tin được các chuyên gia tham vấn tâm lý, các nhà khoa học đưa ra tại hội thảo Chăm sóc sức khỏe tinh thần do Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 27.12.
53% trẻ thường xuyên tự hủy hoại bản thân
Theo thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh- Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TPHCM, đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống từ kinh tế đến thể chất lẫn tinh thần con người trong đó có tác động đến cả trẻ vị thành niên. Ở lứa tuổi này, trẻ có phát triển tính cách mang tính thái quá bột phát, chính đặc điểm này khiến cho trẻ vị thành niên nhạy cảm tăng cường với một số các tác động gây chấn thương tâm lý xác định, trong khi lại ổn định với các tác động khác.
Bà Mai cho hay, khảo sát “Hành vi tự hủy hoại bản thân của trẻ vị thành niên ở các đô thị phía Nam Việt Nam” do bà và các cộng sự thực hiện, cho thấy kết quả đáng báo động. Theo đó, điểm trung bình của hành vi tự hủy hoại bản thân của trẻ vị thành niên ở các đô thị phía Nam Việt Nam là 74,1 rơi vào mức trung bình dựa trên mức điểm đã xác lập.
“Cụ thể có đến 53,1% trẻ thực hiện tự hủy hoại bản thân ở mức trung bình, ở mức này xu hướng biểu hiện là trẻ thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân thường xuyên (từ 8 đến 11 lần) trong 1 năm, để lại hậu quả nghiêm trọng; 41.3% hành vi ở mức nhẹ, xu hướng biểu hiện là trẻ thực hiện thỉnh thoảng 5 đến 7 lần trong 1 năm, để lại hậu quả ít nghiêm trọng. Cuối cùng, có 5.6% tự hủy hoại bản thân ở mức nặng, xu hướng thực hiện thường xuyên (từ 12 lần trở lên), để lại hậu quả nghiêm trọng”, bà Mai nói.
Tương tự, một khảo sát của nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ - khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho kết quả có đến tám trong số 400 trẻ vị thành niên ở TPHCM tham gia khảo sát có điểm trung bình của ý định tự sát ở mức độ cao (mức độ 4). Đáng chú ý, tất cả học sinh này đều có học lực khá, giỏi (ba học sinh giỏi).
“Nỗi sợ về COVID-19; sự gián đoạn học tập và hệ quả của dạy học trực tuyến không hiệu quả; hệ quả kinh tế của giãn cách xã hội; sự mất mát, đau buồn vì mất người thân do COVID-19; sự lo lắng, căng thẳng về cuộc sống, công việc, định hướng, học tập, an sinh xã hội ... khi đại dịch đi qua đã tác động mạnh đến sức khỏe tinh thần của trẻ vị thành niên”, ông Vũ chỉ ra nguyên nhân và cho rằng, nếu không được hỗ trợ, can thiệp, sang chấn sau đại dịch có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tinh thần của trẻ vị thành niên.
GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho hay, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc tâm lý, tạo cơ hội để phổ biến việc sử dụng công nghệ chăm sóc sức khỏe tâm thần. “Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, trung bình mỗi ngày tôi nhận được 69 yêu cầu tư vấn và chăm sóc tinh thần gián tiếp qua điện thoại, mạng xã hội, trong đó có ít nhất 7- 9 yêu cầu liên quan đến các biểu hiện như lo sợ, căng thẳng sau COVID- 19, giảm trí nhớ và các vấn đề sức khỏe tâm thần…”, ông Sơn cho hay.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận việc chăm sóc sức khỏe tinh thần qua công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế. “Dự đoán rủi ro trong sức khỏe tâm thần là một thách thức đối với tâm lý học lâm sàng, y học chính xác và cá nhân hóa đang dẫn đường cho các phương thức phòng ngừa mới nhằm giảm gánh nặng bệnh tật. Cho đến nay, ưu tiên hàng đầu vẫn là phân tích các khả năng mới của công nghệ số trong thực hành lâm sàng cũng như chăm sóc sức khỏe tâm thần”, GS-TS Huỳnh Văn Sơn nói.
Ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, sức khỏe tinh thần của học sinh đang ngày càng phức tạp, nghiêm trọng; số học sinh có dấu hiệu lo âu, trầm cảm, thậm chí là có khuynh hướng tự hủy hoại bản thân đang ngày càng tăng, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp ngăn chặn, đặc biệt là phòng cho học sinh không rơi vào khủng hoảng, trầm cảm.
“Để làm được việc này, Sở GD&ĐT cùng với Sở Y tế sẽ bắt tay nhau để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, dự kiến trong năm 2023 sẽ thực hiện nhiều chương trình tâm lý học đường”, ông Trọng nói.
Tuy nhiên, ông Trọng cũng nêu thực trạng khó khăn với ngành giáo dục là vị trí tư vấn tâm lý học đường dù rất quan trọng nhưng lại chưa được phê duyệt chính thức nên các trường hiện chỉ có thể hợp đồng hoặc giáo viên kiêm nhiệm.