Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko chia sẻ, Việt Nam và Liên bang Nga có quan hệ truyền thống, gắn bó lâu đời. Liên bang Nga là đối tác kinh tế chiến lược của Việt Nam và cũng là đối tác tiềm năng, tình nghĩa với Việt Nam trong rất nhiều năm qua. Khẳng định tiềm năng quan hệ thương mại, kinh tế giữa Nga và Việt Nam là rất lớn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam hy vọng loạt sự kiện trong khuôn khổ diễn đàn sẽ tạo xung lực lớn cho quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Bày tỏ vui mừng khi đông đảo các doanh nghiệp Nga, Việt Nam trong nhiều lĩnh vực quan tâm diễn đàn, trong đó 70 doanh nghiệp Nga đã tham gia trực tiếp sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho rằng, điều này thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp hai nước trong việc tìm kiếm cơ hội phát triển quan hệ hợp tác trong thời gian tới. Diễn đàn là dịp để các bộ, ngành hai nước trong đó có Bộ Công thương Việt Nam, Bộ Công thương Liên bang Nga, các văn phòng đại diện, các tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư của Chính phủ hai nước nắm bắt thực tế nhu cầu của doanh nghiệp và từ đó đưa ra giải pháp hỗ trợ hai nước trong hợp tác đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 11.2022, Liên bang Nga đã có 164 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng mức đầu tư là 965,8 triệu USD, đứng thứ 27 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đầu tư sang Liên bang Nga 5 dự án với tổng mức đầu tư là 528 triệu USD trong lĩnh vực công nghiệp và chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, các con số này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng quan hệ thương mại hai nước.
Thứ trưởng Bộ Công thương đã đưa ra một số định hướng chính quan trọng trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp Việt Nam, để từ đó doanh nghiệp hai bên có thể có những đề xuất hợp tác thiết thực hơn trong thời gian tới. Cụ thể, Việt Nam và Liên bang Nga cần nghiên cứu hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực năng lượng. Đây có thể là định hướng mới cho hợp tác song phương Việt Nam - Liên bang Nga trong lĩnh vực này. Trong lĩnh vực công nghiệp, trong thời gian tới, doanh nghiệp hai bên có thể tiếp tục tăng cường tiếp xúc trực tiếp giữa các doanh nghiệp thông qua các diễn đàn và sự kiện xúctiến thương mại do cơ quan Chính phủ hai nước tổ chức. Doanh nghiệp hai nước cần tiếp tục nắm vững khuôn khổ pháp luật chung của hai bên cũng như chính sách pháp luật của hai nước để tận dụng hiệu quả các cam kết đã có, đồng thời tránh những rủi ro pháp lý. Đối với đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống và mới như kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, kinh tế phát triển xanh, chuyển đổi số, tăng cường hợp tác công nghiệp hỗ trợ trong những lĩnh vực hợp tác nêu trên.
Đánh giá cao việc tổ chức diễn đàn, đại diện Bộ Công thương Liên bang Nga khẳng định, sự kiện là sân chơi quan trọng cho doanh nghiệp hai nước, đồng thời thể hiện mối quan tâm của Chính phủ hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ song phương. Đây cũng là cơ hội để hai nước nâng cấp quan hệ. Với sự kiện có ý nghĩa này, các doanh nghiệp Nga mong muốn kết nối giao thương tích cực và hiệu quả với các đối tác Việt Nam. Phía Nga hy vọng trong các phiên thảo luận, hai bên sẽ bàn thảo các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp hai bên kết nối, giao thương hiệu quả, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương, tận dụng tiềm năng đang có để đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.
Trong khuôn khổ diễn đàn, doanh nghiệp hai nước tham dự 2 phiên giao thương trực tiếp vào chiều 15.12 và chiều 16.12. Các doanh nghiệp Nga và Việt Nam tham gia giao thương hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành hàng như dược phẩm, thiết bị y tế, thiết bị cho người khuyết tật, khai thác khoáng sản, dầu khí, máy móc và thiết bị vận tải, phần mềm máy tính, giải pháp bảo mật thông tin, dịch vụ quản lý khu công nghiệp, sản phẩm quân sự...