Nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn vận tải đường bộ
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, việc xây dựng dự thảo Luật Đường bộ nhằm thể chế hoá các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16.1.2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng; tạo cơ chế đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại hóa; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Các chủ trương đầu tư làm phát sinh gia tăng nhu cầu giao thông lớn phải có đánh giá tác động về trật tự, an toàn giao thông theo Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25.5.2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
Việc xây dựng dự án Luật có tác động đối với tiến trình phát triển, hội nhập kinh tế của đất nước và dựa trên các quan điểm sau đây: kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện quy định còn phù hợp với thực tế, sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tạo cơ chế để huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, làm cơ sở kết cấu lại các phương thức vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn vận tải đường bộ tạo nên thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và cạnh tranh...
Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 92 điều. Trong đó, Chương I: Quy định chung gồm 9 Điều (từ Điều 1 đến Điều 9); thay đổi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; bổ sung các chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ trên cơ sở các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; quy định về hệ thống giao thông thông minh, cơ sở dữ liệu đường bộ. Chương II: Kết cấu hạ tầng đường bộ gồm 37 Điều (từ Điều 10 đến Điều 46).Chương III: Đường bộ cao tốc gồm 14 Điều (từ Điều 47 đến Điều 60). Chương IV: Vận tải đường bộ gồm 26 Điều (từ Điều 61 đến 86). Chương V: Quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ gồm 3 điều (từ Điều 87 đến Điều 89. Chương VI. Điều khoản thi hànhgồm 3 Điều (từ Điều 90 đến Điều 92).
Tập trung quy định về kết cấu hạ tầng đường bộ, hoạt động vận tải đường bộ
Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí sự cần thiết ban hành Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến.
Đối với phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhằm tập trung quy định chuyên sâu về kết cấu hạ tầng đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, tiếp tục làm rõ về phạm vi điều chỉnh cũng như một số nội dung của dự thảo Luật với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp, tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất và khả thi.
Về đầu tư xây dựng công trình đường bộ (Điều 32), Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ quy định về “các hình thức đầu tư khác” tại điểm c khoản 1, cân nhắc quy định “giao UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng quốc lộ” tại điểm c khoản 2 để phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư; bỏ quy định yêu cầu đầu tư xây dựng công trình đường bộ phải phù hợp với “công nghệ phát triển của phương tiện đường bộ” tại khoản 3; nghiên cứu chỉnh sửa quy định “Khi đầu tư xây dựng đường từ 4 làn xe trở lên phải xây dựng đường bên để phục vụ việc đi lại của người, phương tiện giao thông ở khu dân cư ven đường…” tại khoản 5 cho phù hợp với thực tiễn các loại đô thị...
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, một số quy định tại điều này chưa bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về đầu tư, xây dựng và chưa bảo đảm tính khả thi, do đó đề nghị nghiên cứu các ý kiến nêu trên để tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật.