Kịp thời bắt nhịp xu thế
Theo Kế hoạch Chiến lược của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) giai đoạn 2021 - 2025, một trong các nhiệm vụ của cơ quan Hải quan là thúc đẩy hải quan số, đặc biệt là quản lý biên giới tích hợp và trao đổi thông tin giữa các bên liên quan và định hướng xây dựng các công cụ về các giải pháp công nghệ thông tin; tăng cường sử dụng công nghệ và dữ liệu...
Theo đó, hải quan các nước phát triển trên thế giới đã và đang đẩy nhanh quá trình ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đơn cử, Hải quan Mỹ đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh trắc vân tay, các thiết bị cảm biến, hệ thống camera theo dõi, các thiết bị hồng ngoại và các thiết bị phóng xạ để phát hiện các hành vi vi phạm tại biên giới.
Hải quan Nhật Bản đang tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào soi chiếu thông minh và xác định trọng điểm các lô hàng. Hải quan Trung Quốc cũng có sự tiếp cận sớm với các công nghệ mới như truy xuất nguồn gốc, robot, máy bay không người lái, công nghệ Big data, chia sẻ dữ liệu...; tích hợp quản lý thông minh, tối ưu quản lý nguồn nhân lực, kiểm soát rủi ro nội bộ; cảnh báo sớm, quản lý chuỗi logistics, xác định trọng điểm.
Bắt nhịp với xu thế phát triển, những năm gần đây, Việt Nam cũng tạo nên bước đột phá trong hoạt động cải cách hiện đại hóa, thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ thủ công sang điện tử. Nhờ áp dụng mạnh mẽ các phương thức hải quan điện tử, thông quan hàng hóa tự động theo chuẩn quốc tế, đến nay, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với tờ khai luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây.
Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, cải cách hiện đại hóa đã giúp ngành hải quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó trong 10 năm trở lại đây. Để bắt nhịp với xu thế phát triển, Hải quan Việt Nam sẽ nỗ lực tập trung nguồn lực thực hiện Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.
Năm 2025, cơ bản hoàn thành hải quan số
Bộ Tài chính vừa gửi lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021 - 2030 trước khi trình Thủ tướng xem xét phê duyệt. Theo dự thảo, mục tiêu tới năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành hải quan số, 90% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan xử lý trên môi trường mạng, 80% hoạt động kiểm tra hải quan thực hiện trên môi trường số.
Tính đến thời điểm này, tất cả hàng hóa rủi ro chở bằng container đã được giám sát hải quan bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại với mức độ hài lòng của doanh nghiệp với thủ tục hải quan đạt 95% trở lên. Dự thảo đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh.
Vì vậy, dự thảo cũng đặt ra yêu cầu ngành hải quan nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan và thu thuế hiệu quả. Từ đó, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, ngành hải quan tiếp tục xây dựng nền tảng pháp luật về hải quan hiện đại, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình quản lý hải quan thông minh và thực hiện nhiệm vụ đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu. Cụ thể, tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh; cải cách mô hình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu.
Điểm nổi bật trong Dự thảo chiến lược là đặt ra mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy hải quan 3 cấp, gồm cấp tổng cục, vùng và chi cục nhằm tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý nghiệp vụ hải quan tập trung thông minh.
Theo dự thảo Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu năm 2025, 100% các thủ tục hành chính cấp phép, kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu, quá cảnh thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia; quản lý nợ thuế hoàn toàn qua phương thức điện tử… Tới năm 2030, có 100% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang điện tử, tiến tới số hóa. Tất cả cảng, cửa khẩu hải quan quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống giám sát hàng hoá tự động.