Đồng chủ trì có: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo.
Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khoá XV. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3. Theo chương trình, dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản của dự án Luật và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự thảo Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án Luật. Hiện nay, dự thảo Luật gồm 12 Chương, 113 Điều.
Cho ý kiến về dự thảo Luật, các đại biểu nhấn mạnh, với tinh thần đổi mới toàn diện, tháo gỡ tối đa các rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo đảm quyền tự chủ, phát huy các giá trị của mô hình hợp tác xã, dự thảo Luật cần tiếp tục hoàn thiện các quy định nhằm tạo hành lang pháp lý cho khu vực kinh tế tập thể, cũng như phù hợp và thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan.
Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế hoạt động của các hợp tác xã vừa qua cho thấy, các tổ chức kinh tế tập thể gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Để tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia, các ý kiến này đề nghị dự thảo Luật cần quy định một số điều kiện như: các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã có tài sản hình thành sau đầu tư có thể được dùng làm tài sản thế chấp vay vốn; hay tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được sử dụng giá trị tài sản hình thành từ quỹ chung mang tên riêng để bảo đảm an toàn cho số vốn cần vay. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho các hợp tác xã tiếp cận thuận lợi hơn các nguồn vốn, đặc biệt là vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề nghị cần có các quy định tạo điều kiện cho hợp tác xã được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công, khuyến nông, các hội chợ quảng bá sản phẩm; các chương trình tư vấn, đào tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin 4.0… theo các chương trình hỗ trợ của Trung ương, địa phương và các chương trình hợp tác quốc tế.
Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở góp ý của các đại biểu sẽ tiếp tục hoàn thiện về nội dung dự thảo Luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho sự phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện các quy định để thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, một số việc lớn, phù hợp có tính chất cụ thể có thể nghiên cứu luật hóa ngay; các quy định về tiếp cận thị trường tín dụng, các chính sách ưu đãi về thuế, phí…