Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất gồm 263 Điều, 16 Chương. Số lượng chương và điều vẫn giữ nguyên so với dự thảo tháng 6.2023, song, các nội dung chỉnh sửa chi tiết hơn, thể hiện sự cẩn trọng, khoa học trong việc chọn lọc từ ngữ, thuật ngữ phù hợp, chuẩn xác, tăng tính kết nối, logic giữa các chương, các cấu phần và giữa các điều khoản.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tài chính về đất đai, giá đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; phát triển và quản lý quỹ đất…
Điều 73 dự thảo Luật hiện đang quy định về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cần thiết nhằm đáp ứng, phù hợp với yêu cầu, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ở từng giai đoạn hoặc ứng phó với những biến động trong nước và trên thế giới.
Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ quy định về căn cứ, nội dung, thẩm quyền, yêu cầu rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Do vậy, để bảo đảm việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện chặt chẽ, đúng mục đích, đáp ứng yêu cầu đề ra và ngăn ngừa tình trạng vì mục đích vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực hoặc lợi ích nhóm, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 126 dự thảo Luật, trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ban hành “quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu”, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu. “Quá thời hạn 3 tháng, kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà nhà đầu tư không ứng đủ vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hủy kết quả trúng đấu thầu”.
Theo quy định này, việc nhà đầu tư không ứng vốn theo yêu cầu của cơ quan nhà nước trong vòng 3 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền “quyết định hủy kết quả trúng đấu thầu”. Một số ý kiến chỉ rõ, quy định như vậy là chưa thống nhất với Luật Đấu thầu (sửa đổi). Bởi, các trường hợp hủy thầu, không công nhận kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không có trường hợp nhà đầu tư trúng thầu không ứng tiền thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Do đó, đề nghị rà soát điều khoản này với quy định tại Luật Đấu thầu để bảo đảm tính thống nhất và thuận lợi khi áp dụng.
Nhiều ý kiến cũng kiến nghị nên bổ sung thông tin về “giao dịch quyền sử dụng đất” trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (cùng với cơ sở dữ liệu về giá đất) đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về “thực hiện đăng ký bắt buộc về giao dịch quyền sử dụng đất và mọi biến động đất đai”, đồng thời có chế tài phù hợp với trường hợp giao dịch bất động sản, đất đai không đăng ký tại cơ quan Nhà nước.
Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển ghi nhận và cho biết Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại hội thảo để có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến tại phiên họp tháng 8.2023.