Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 534 điểm cầu toàn thành phố. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.
Nghị quyết 98/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 24.6.2023, có hiệu lực từ ngày 1.8.2023. Tại nghị quyết, TP. Hồ Chí Minh được trao 44 cơ chế, chính sách đặc thù ở 7 lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy chính quyền TP. Hồ Chí Minh; tổ chức bộ máy chính quyền của TP. Thủ Đức. Trong 44 cơ chế, chính sách đặc thù này có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế được đưa vào các dự án Luật đang trình Quốc hội và 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh được áp dụng.
Tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 15.7.2023 về thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban; Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên làm Phó Trưởng Ban thường trực; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Phó Trưởng Ban và 12 thành viên là đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Nghị quyết; nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về triển khai Nghị quyết. Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về triển khai Nghị quyết…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Nghị quyết 98/2023/QH15 với nhiều nội dung trao quyền mạnh, vượt trội cho TP. Hồ Chí Minh thể hiện sự tin tưởng, gửi gắm của Trung ương và Quốc hội dành cho thành phố, nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển TP. Hồ Chí Minh ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
“Các cơ chế khá toàn diện và bao quát, vừa có khả năng hóa giải những điểm nghẽn tồn đọng phát sinh trong cơ chế cũ, vừa là bệ phóng để thành phố phát huy tiềm năng và nội lực của mình, từ đó khắc phục những vướng mắc, tạo lập và phát triển những giá trị mới về kinh tế, chính trị, xã hội cho TP. Hồ Chí Minh”, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Để hiện thực hóa những chính sách tại Nghị quyết 98/2023/QH15, cần có cách tiếp cận tổng thể gắn với những giải pháp cụ thể, linh hoạt, hiệu quả, sát thực tiễn, trong đó đặc biệt lưu ý các giải pháp để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, TP. Hồ Chí Minh cần tập trung sớm cụ thể hóa Nghị quyết, Chỉ thị của Thành ủy, Nghị quyết của HĐND thành phố bằng các hành động cụ thể với các nội dung phù hợp để việc tổ chức thực hiện được thông suốt. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh kịp thời báo cáo HĐND thành phố thực hiện đầy đủ, trách nhiệm, tạo sự thống nhất trong nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết, phát huy tối đa nguồn lực, sức mạnh của nhân dân và thống nhất trong hành động của toàn hệ thống chính trị. Sớm thể chế hóa các nội dung thuộc nhiệm vụ và thẩm quyền của HĐND thành phố nêu tại Nghị quyết 98/2023/QH15 thành các chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực; phổ biến rộng rãi để huy động sự tham gia, phối hợp khi triển khai và cũng là để phát huy tinh thần, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp đối với thành phố. Theo đó, mỗi cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp chính quyền phải có định hướng và kế hoạch chi tiết cho việc tổ chức thực hiện ở đơn vị mình, ngành mình, cấp mình; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong từng nội dung có liên quan.