Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh:
Bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời
Hội nghị đặc biệt quan trọng, nhằm thực hiện yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng – Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, đây là dịp để các cơ quan lập pháp, hành pháp cùng nhìn nhận, rà soát, xem xét những mặt được, chưa được trong triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV, rút ra bài học kinh nghiệm và các giải pháp khắc phục. Với ý nghĩa như vậy, tôi cho rằng, Hội nghị triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội nên được tiến hành hàng năm.
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến trước Kỳ họp thứ Năm; công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm. Báo cáo cho thấy, các bộ, ngành thấy rất rõ vai trò, trách nhiệm của mình; nhất là trong quá trình tham mưu, soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Chú trọng lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, tăng cường truyền thông chính sách, phản biện xã hội đối với các nội dung có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp.
Qua các tham luận, thảo luận tại Hội nghị cũng đã cho thấy rõ Bộ ngành nào làm tốt, Bộ ngành nào chưa làm tốt, chưa bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng trong việc thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội. Tới đây, tôi cho rằng, những dự án luật, dự thảo Nghị quyết nào chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa thực sự chất lượng thì chưa được trình Quốc hội. Đối với những luật đã thông qua, thì tất cả các văn bản hướng dẫn chi tiết có liên quan phải được ban hành đồng bộ. Ví như, Luật Thi đua khen thưởng có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024, thì ngay trong Báo cáo của Chính phủ đã liệt kê rõ việc ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành nào.
Tôi cũng mong rằng, công tác xây dựng pháp luật phải tiếp tục cập nhật thực tiễn, gắn với cuộc sống. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai thi hành luật kịp thời, hiệu quả. Nếu trong quá trình xây dựng pháp luật, sự phối hợp giữa các bộ, ngành không chặt chẽ, không lắng nghe thực tiễn, phản ánh đúng thực tiễn thì khó bảo đảm tính khả thi của pháp luật.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Thành phố Hà Nội):
Đồng tâm, hiệp lực đưa luật, nghị quyết của Quốc hội sớm vào cuộc sống
Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức là hoạt động chưa có tiền lệ. Nhưng, qua một ngày tổ chức đã cho thấy, đây là hoạt động rất cần thiết và có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, điều chỉnh toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, một yêu cầu rất quan trọng là các luật, nghị quyết này phải sớm đi vào cuộc sống.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết. Nhưng, trong thực hiện vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế khiến luật, nghị quyết chậm đi vào cuộc sống. Do vậy, Hội nghị này là dịp các cơ quan, đơn vị cùng nhau xem lại các vấn đề, đồng tâm, hiệp lực trong thực hiện để kịp thời đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, và cũng nên trở thành hoạt động thường niên.
Các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tham luận của các cơ quan, đơn vị và các ý kiến thảo luận tại Hội nghị đã thẳng thắn đánh giá về công tác này, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đặc biệt đã xác định rõ tiến độ và yêu cầu trong tổ chức thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua để đẩy mạnh việc triển khai thực hiện trên thực tế. Trong đó, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày đã bao trùm các vấn đề được đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm và để lại nhiều ấn tượng với các đại biểu tham dự Hội nghị đều tạo ấn tượng với các đại biểu tham dự Hội nghị.
Điều đặc biệt khác tại Hội nghị này là Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phát biểu kết luận Hội nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu cụ thể những yêu cầu trước mắt và lâu dài đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan. Phải thấy rằng, Quốc hội Khóa XV đang xem xét, thông qua nhiều dự án luật có ảnh hưởng quan trọng với quá trình phát triển của đất nước, cũng như đời sống của người dân. Vì vậy, những yêu cầu này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội cần được triển khai thực hiện nghiêm túc để nâng cao hiệu quả triển khai luật, nghị quyết trong thời gian tới.
Chánh Thanh tra Sở Công thương TP. Hà Nội Nguyễn Văn Huấn:
Quy định cụ thể tạo điều kiện để triển khai đúng, đủ nhiệm vụ
Qua tham gia Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV, tôi thấy rằng, Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung, chú trọng nhiều vào công tác tổ chức triển khai thi hành pháp luật và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Đồng thời, tích cực chuẩn bị kế hoạch triển khai 8 luật và 8/13 Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm, bao gồm cả việc triển khai các nhiệm vụ lập pháp những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 theo Kế hoạch số 81-KH/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2.6.2023 của Quốc hội. Tại Hội nghị, các bộ, ngành cũng đã thẳng thắn, nghiêm túc chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục những tồn tại trong công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Theo dõi từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, tôi cho rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tình trạng luật "khung", luật "ống"; văn bản hướng dẫn trái luật... đã được hạn chế tối đa, mang lại nhiều lợi ích cho Nhân dân. Đặc biệt, việc cụ thể hóa quy định ngay trong các luật, nghị quyết đã tạo điều kiện cho đơn vị, cán bộ có thể triển khai thực hiện đúng, đủ nhiệm vụ, giảm thiểu tối đa tình trạng có những cách hiểu khác nhau trong thi hành pháp luật.
Nhiệm vụ lập pháp những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 tương đối nặng, nhưng tôi tin tưởng rằng, Quốc hội và Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành chặt chẽ, cùng nhau quan tâm, chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, nghị quyết ngay từ khâu nghiên cứu, rà soát; đồng thời, tập trung gỡ các vướng mắc trong quy định của pháp luật từ thực tiễn thi hành để quy định cụ thể ngay trong các dự án luật, nghị quyết; đi kèm với đó là các dự thảo hướng dẫn, thi hành chi tiết để bảo đảm thời gian khi luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành sẽ đi ngay vào cuộc sống. Việc xây dựng một hệ thống pháp luật toàn diện, đầy đủ và đồng bộ, thích hợp với điều kiện hiện nay của đất nước sẽ giúp đẩy nhanh sự phát triển của xã hội, mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực và thế giới.