Phiên họp chuyên đề góp ý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) |
Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 26, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lấy ý kiến nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XIV, của các cơ quan, tổ chức, để chỉnh lý dự thảo Luật, trong đó có 11 nhóm vấn đề nổi bật cần tiếp tục xin ý kiến. Đó là: (1) Triết lý giáo dục, quy định về hướng nghiệp, phân luồng; chính sách cử tuyển. (2) Đầu tư giáo dục, trách nhiệm của Nhà nước. (3) Về nhà giáo: Quy định trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo; chính sách học bổng; phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. (4) Về người học: Vấn đề bình đẳng giới; Trường chuyên, trường chất lượng cao và trường nội trú, bán trú. (5) Về chương trình phổ thông và sách giáo khoa. (6) Về liên thông. (7) Về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học. (8) Vấn đề tự chủ của cơ sở giáo dục. (9) Về quản lý Nhà nước. (10) Về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục. (11) Về kỹ thuật lập pháp.
Các đại biểu tham dự phiên họp đã cho ý kiến vào 11 vấn đề cốt lõi nêu trên trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Trong đó, đa số ý kiến cho rằng Việt Nam hiện nay không phải không có triết lý giáo dục, tuy nhiên không đưa thành chương/điều mà nên cụ thể hóa trong những nội dung mang tính mục tiêu, nguyên lý, phương pháp của giáo dục. Về đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là vấn đề xã hội hóa, không nên hiểu là làm thay vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục. Nhà nước vẫn đầu tư cho giáo dục nhưng với phương thức khác, sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Việc miễn giảm học phí cũng cần phải cân nhắc kỹ căn cứ điều kiện thực tiễn của đất nước để đưa ra quy định phù hợp. Ngoài ra, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về vấn đề tự chủ, theo đó quy định tự chủ đối với trường đại học, cao đẳng tương đối rõ, nhưng khối phổ thông, nhất là mầm non, tiểu học cần cân nhắc, nghiên cứu sâu.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng góp ý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) |
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Thường trực Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực khẳng định, việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này hết sức quan trọng, bởi luật này có liên quan trực tiếp đến mọi người, mọi nhà. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến nhân dân rộng rãi cũng như Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đang tích cực nghiên cứu, triển khai đề tài, xây dựng luận cứ cho chính sách giáo dục. Ý kiến tư vấn, góp ý của các đại biểu tại phiên họp cung cấp thêm các góc nhìn đa dạng, để từ đó, Ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) lắng nghe, tiếp thu, chắt lọc để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp tháng 6 tới.