Trương Văn Giang (dân tộc Mông, ở thôn 10, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) là một trong số 32 học viên được tham gia lớp Sửa chữa máy nông nghiệp do UBND huyện Đắk Glong hỗ trợ kinh phí. Sau khi hoàn thành khóa học, Giang cùng các học viên khác đã biết vận dụng kiến thức, phục vụ cho nhu cầu gia đình và người dân trong xã
Trương Văn Giang cho biết, trước đây máy nông nghiệp bị hỏng, bà con trong thôn phải sang tỉnh Lâm Đồng hoặc Đắk Lắk mới sửa được, thậm chí nhiều gia đình không đủ điều kiện để đi xa, đành bỏ không máy móc. Chính vì thế, được địa phương tạo điều kiện cho tham dự lớp học nghề, anh đã sắp xếp công việc gia đình, tham gia lớp học.
“Sau khi học xong lớp sửa chữa máy nông nghiệp do huyện tổ chức, tôi đã tự sửa chữa được một số máy móc nhỏ bị hư hỏng. Rất nhiều người dân ở đây mong muốn có thêm các lớp dạy sửa chữa máy móc để có đủ điều kiện để mở cửa hàng nhỏ, sửa chữa máy nông nghiệp cho bà con trong xã, có thêm thu nhập cho gia đình”, Trương Văn Giang cho hay.
Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Glong (Đắk Nông), trong năm 2020, thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đã triển khai thực hiện mở được 8 lớp nghề cho lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, triển khai công tác thực hiện đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, từ nguồn ngân sách địa phương, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Glong cũng đã đào tạo 3 lớp sơ cấp nghề Dệt thổ cẩm; Sửa chữa máy nông nghiệp; Trồng trọt- Bảo vệ thực vật. Sau khi đào tạo, gần 80% học viên đủ điều kiện tốt nghiệp, tay nghề tốt và có thể bắt tay ngay vào hoạt động lao động, sản xuất.
Trong thời gian qua, không chỉ riêng huyện Đắk Glong, công tác đào tạo nghề nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Từ các nguồn vốn hỗ trợ, các huyện như Đắk Mil, Krông Nô… đã mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động địa phương. Sau khi hoàn thành các khóa học, học viên đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất kinh tế.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cũng được chú trọng, ngày càng thu hút học sinh tham gia. Đặc biệt, với “mô hình 9+1”, học sinh có cơ hội vừa học nghề, vừa học văn hóa, mở rộng cánh cửa việc làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT.
Ông Chung Văn Phong, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật phương Nam (Gia Nghĩa) cho biết, trong năm học 2022-2023, nhà trường đã tuyển sinh được hơn 300 học viên, là học sinh tốt nghiệp các trường THCS trên địa bàn tỉnh, hơn 50% trong số này là con em người đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đó cho thấy, bản thân các em học sinh, gia đình và nhà trường đã có những thay đổi từ nhận thức trong việc chọn trường, chọn nghề và định hướng tương lai.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Phương Nam nhận định: “Trong vài năm tới, khi các em học sinh tốt nghiệp, sẽ bổ sung cho nguồn nhân lực của tỉnh một lực lượng lao động có trình độ, chuyên môn và có tay nghề. Ngoài ra, nhờ việc nâng cao trình độ người lao động, cũng sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm, giảm nghèo nhanh và bền vững”.
Đánh giá chung về công tác đào tạo nghề cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông cho rằng, chất lượng đào tạo nghề được đánh giá thiết thực, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội và tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, người lao động đã có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
“Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân nông thôn, đặc biệt là học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số về tầm quan trọng của học nghề, qua đó xây dựng cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương”, ông Nam cho biết thêm.