Phải chấm dứt tình trạng chậm thanh, quyết toán bảo hiểm y tế
Nêu chất vấn với Bộ trưởng Bộ Y tế, ĐBQH Hà Hồng Hạnh (Khánh Hoà) cho biết, tại Văn bản số 2060 ngày 20.10.2023, Ủy ban Xã hội cho rằng, nếu vẫn tiếp diễn tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế mà người dân đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc để điều trị thì cần có cơ chế để bảo hiểm y tế hoàn trả lại các khoản này, nhằm bảo đảm quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế. Đại biểu Hà Hồng Hạnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết quan điểm về ý kiến này?
Dẫn Báo cáo của Chính phủ, đến nay còn xấp xỉ 2.500 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được thanh toán, quyết toán từ năm 2021 chưa được giải quyết, đại biểu Hà Hồng Hạnh đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp để chấm dứt tình trạng chậm thanh toán, quyết toán bảo hiểm y tế?
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, về mặt nguyên tắc, cơ sở khám, chữa bệnh phải bảo đảm đủ thuốc chữa bệnh và không để người bệnh phải mua thuốc ngoài trong thời gian điều trị nội trú. Nếu để người bệnh tự mua, thì sẽ có nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc, an toàn người bệnh và giải quyết tranh chấp khi có tranh chấp khi có tai biến, rủi ro, lạm dụng chỉ định hoặc bệnh nhân mua phải giá cao, khó xác định trong thanh toán.
Thế nhưng, trong quá trình thực hiện phòng, chống dịch Covid – 19, đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến thiếu thuốc và thực tế, nhiều cơ sở y tế không bảo đảm đủ thuốc, nhiều bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc tự điều trị. Bộ trưởng Bộ Y tế xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Hà Hồng Hạnh và nhấn mạnh quan điểm, quyền lợi của bệnh nhân, người tham gia bảo hiểm y tế phải được bảo đảm. Đây là yêu cầu chính đáng và cần thiết.
Bộ trưởng cũng thừa nhận, chưa có quy định trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế phải ra ngoài mua thuốc. Bộ Y tế đề nghị, các cơ sở y tế thực hiện các quy định liên quan đến mua thuốc, vật tư, y tế để bảo đảm phục vục cho công tác khám, chữa bệnh; đề xuất các cơ chế để nghiên cứu thực hiện điều chuyển thuốc giữa các cơ sở khám, chữa bệnh khi kết quả đấu thầu còn hiệu lực; rà soát lại các danh mục thuốc và dự kiến đầu năm 2024 sẽ bổ sung các danh mục thuốc, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Liên quan đến cơ chế hoàn trả tiền người dân đi khám chữa bệnh có thẻ bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc để điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, “đã giao cho Vụ Bảo hiểm y tế xây dựng Thông tư, nội dung này đang được đơn vị chuyên môn xây dựng và sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trong quá trình hoàn thiện thông tư để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế”.
Đối với việc thanh toán tổng mức của bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, Nghị quyết số 144/NQ – CP ngày 5.11.2022 đã cho phép tháo gỡ vấn đề bảo hiểm y tế bị vượt tổng mức của năm 2021. Hiện nay, Bộ Y tế, các Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã rà soát các nội dung chi để thực hiện đúng theo quy định. Trên cơ sở rà soát, còn hơn 1.000 tỷ đồng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang phối hợp với các Sở Y tế để thanh toán. Đồng thời để tháo gỡ vướng mắc, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75 ngày 19.10.2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ – CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nghị định này đang được triển khai thực hiện.
Chưa sửa đổi Nghị định 09 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm
Liên quan đến lĩnh vực y tế, ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, của Quốc hội về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, Chính phủ đã có Nghị quyết 19/NQ – CP năm 2018 giao Bộ Y tế nghiên cứu sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ – CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng và thực phẩm theo hướng: Bãi bỏ quy định muối dùng trong chế biến thực phẩm phải tăng cường i-ốt, bột mỳ dùng chế biến thực phẩm phải tăng cường sắt và kẽm, thay vào đó chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng.
Theo phản ánh của các hiệp hội ngành nghề, đến nay sau hơn 5 năm các quy định nêu trên chưa được sửa đổi, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ – CP và liệu nội dung nêu trên trong Nghị quyết của Chính phủ có được thực thi hay không?
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Nghị định 09/2016/NĐ – CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng đã được triển khai từ năm 2016 đến nay, Bộ Y tế đã đánh giá 5 năm triển khai thực hiện về việc bổ sung vi chất dinh dưỡng, tăng cường i - ốt. Bộ Y tế cũng đề xuất với doanh nghiệp là tăng cường i - ốt chỉ mang tính chất tự nguyện chứ không bắt buộc. Tuy nhiên, do đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân, Bộ trưởng cho rằng, cần có thời gian đánh giá lâu dài.
Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Y tế đã có báo cáo nghiên cứu khoa học liên quan đến phòng, chống rối loạn i - ốt trong cuộc sống, hiện số thiếu hụt vi chất về dinh dưỡng liên quan đến i - ốt chưa đạt ngưỡng cho phép để bảo đảm sức khỏe cho người dân. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã có Báo cáo với Chính phủ về 5 năm triển khai Nghị định số 09/2016/NĐ – CP, xét xem việc có nên sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ – CP. Trên cơ sở đó, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ Y tế tiếp tục làm việc các doanh nghiệp, hiệp hội về việc bảo đảm sức khỏe người dân và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 09/2016/NĐ – CP về tăng cường vi chất chất dinh dưỡng.
“Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá để bảo đảm việc triển khai Nghị định 09/2016/NĐ – CP khi đạt được tiêu chuẩn, mục tiêu đề ra, thì sẽ có điều chỉnh sửa đổi để bảo đảm phù hợp trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.
Ngày mai, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.