Ngành công nghiệp trò chơi điện tử lên ngôi
Báo cáo mới nhất của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, doanh thu ngành công nghiệp game online năm 2020 cán mốc 12.000 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2015. Các doanh nghiệp trong ngành cũng nộp ngân sách gấp 2,5 lần so với thời điểm đó. Ở khía cạnh nguồn nhân lực, mức tăng trưởng của ngành trò chơi điện tử còn ấn tượng hơn. Từ 7.000 nhân lực trong lĩnh vực này vào năm 2015, đến nay, ngành công nghiệp trò chơi điện tử tại Việt Nam đã tạo ra việc làm cho 25.000 lao động.
Phó Chủ tịch Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam Dương Vi Khoa đánh giá, thị trường game Việt Nam đang phát triển nhanh, mạnh mẽ, bứt phá nhờ công nghệ livestream, bắt đầu phát triển lên hệ thống game thi đấu và dần được công nhận trở thành một bộ môn thể thao điện tử có thể đi thi tại nhiều các cuộc thi lớn trên thế giới cũng như khu vực như SEAGames, ASIAD…
Đồng quan điểm với ông Khoa, CEO Công ty Sky Mavis, Nguyễn Thành Trung cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường màu mỡ cho ngành công nghiệp game phát triển mạnh mẽ. Với lợi thế về dân số trẻ, dễ dàng thích nghi và tiếp nhận làn sóng công nghệ mới. Đáng chú ý, năm 2021 cho thấy được những tác động mạnh mẽ của game blockchain tới thị trường và mang đến làn gió mới để đưa game Việt Nam ra toàn cầu.
Hành lang pháp lý chưa rõ ràng
Theo báo cáo của We are social 2021, có 92% người Việt Nam đã từng chơi game trên ít nhất một thiết bị, thể hiện sự phổ biến của digital game trong đời sống. Có thể thấy, trò chơi trực tuyến là một trong những ngành có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành dường như chưa theo kịp với tốc độ phát triển của loại hình dịch vụ này.
Giám đốc Công ty Luật ANVI, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng sức nóng của tài sản số trong thời gian qua cũng tạo ra nhiều lo lắng cho các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến khi chưa có hành lang pháp lý rõ ràng liên quan đến việc phát hành tài sản số, tiền số, thủ tục đăng ký hoạt động, thuế…. Đơn cử, Khoản 27, Điều 3, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quy định “Đơn vị ảo là một loại công cụ được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử quy ước dùng để trao đổi, mua bán vật phẩm ảo, điểm thưởng, các kỹ năng trong trò chơi.” Song, Khoản 4, Điều 7, Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT quy định “…Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử”. Ngoài ra, hiện Bộ Luật Dân sự năm 2015 không công nhận tiền ảo là một loại tài sản.
Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Quang Đồng cho biết, cứ 25 game mobile được tải lên các kho ứng dụng thì có 1 game của Việt Nam. Còn trong 10 game mobile được chơi nhiều nhất thì có khoảng 5-6 trò chơi đến từ Việt Nam.
Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Quang Đồng cho rằng, hành lang pháp lý chưa rõ ràng đang dẫn đến tình trạng hiện nay rất nhiều doanh nghiệp làm trong lĩnh vực game ở Việt Nam phải đăng ký thành lập tại Singapore để bảo đảm về mặt pháp lý mặc dù mọi vận hành đều hoạt động tại Việt Nam. Có thể thấy, đây là vấn đề chúng ta cần phải trực tiếp nhìn nhận để có thể đưa ra các giải pháp thích hợp với sự phát triển và bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Nhiều chuyên gia nhận định với tiềm năng và những hiệu quả mà ngành trò chơi trực tuyến mang lại, việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị Định số 72/2013/NĐ-CP là yếu tố cần thiết, giúp cho các doanh nghiệp và thị trường game tại Việt Nam phát triển bền vững. Góp ý vào Dự thảo này, Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chưa có sự phân loại thủ tục hành chính đối với điều kiện cấp phép trò chơi điện tử (game). Việc quy định tất cả các trò chơi điện tử đều phải thực hiện thủ tục hành chính trước khi phát hành có thể dẫn đến đến tình trạng các game mới phát hành hoặc các nhà phát triển game non trẻ (startup) gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường”.