Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với tổ chức “Trái tim người lính”, Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” và Ban Di sản ký ức (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) tổ chức.
Chia sẻ tại triển lãm, họa sĩ Đặng Ái Việt cho biết đã từ lâu bà ấp ủ ý tưởng vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống để lưu lại dấu ấn thời gian trên mỗi gương mặt của các mẹ với tấm lòng thành kính, thương yêu.
Năm 2010, ở tuổi 62, họa sĩ bắt đầu thực hiện dự định này để tạo nên “Hành trình nét thời gian” hiếm có. Đó là một hành trình tự nguyện, tự tâm từ chính nguồn tiền bán sách của chồng là NSND Phạm Khắc và tiền lương hưu của bà. Hành trình trải qua hơn một thập kỷ bền bỉ, kiên trì và chạy đua với thời gian để kịp đến gặp được các mẹ trước khi quá muộn. Kết quả là 3.157 bức chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng trên khắp mọi miền Tổ quốc được hoàn thành.
"Tâm họa tri ân" là triển lãm lần thứ 3 được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam về tranh ký họa Mẹ Việt Nam Anh hùng của họa sĩ, trưng bày 63 bức chân dung mẹ Việt Nam Anh hùng, ghi nhận sự đóng góp hy sinh của các mẹ trong công cuộc giải phóng độc lập dân tộc ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đến với sự kiện “Tâm họa tri ân”, đọc những dòng nhật ký của họa sĩ viết từ những năm tháng chiến tranh gần 60 năm trước, công chúng hiểu thêm vì sao họa sĩ đã coi việc vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống là sự tri ân và trả nợ đời, nợ nghiệp, nợ cố nhân. “Không ai phân công tôi đi vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đó là mệnh lệnh từ trái tim", họa sĩ Đặng Ái Việt nói.
Lý giải nguồn gốc sức mạnh để có được hành trình tri ân hơn một thập kỷ ấy, họa sĩ bày tỏ: “Động lực để tôi có thể đi vẽ ở cái tuổi này đó là tình yêu. Hành trình đi đến với các mẹ là hành trình đến với tình yêu cuộc sống. Khi đã yêu cái gì, con người ta có thể vượt qua tất cả trở ngại để có thể đến được nơi cần đến”.
Nữ họa sĩ cho biết thêm, hành trình tự nguyện của bà không đơn độc. Đằng sau hành trình ấy là sự giúp đỡ, đồng hành của các cấp, các ngành từ địa phương tới Trung ương. Đó là điểm tựa để bà tự tin thực hiện tâm nguyện của mình.
Tại sự kiện, họa sĩ Đặng Ái Việt đã trao tặng gần 300 bức tranh chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Họa sĩ Đặng Ái Việt (Đặng Thị Bông) sinh ngày 16.11.1948 tại Tiền Giang. Bà trở thành diễn viên đoàn văn công tỉnh Mỹ Tho khi mới 15 tuổi. Tháng 7.1964, bà là họa sĩ, phóng viên Báo Phụ nữ Giải phóng. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 1981, bà làm giáo viên Trường Văn hóa nghệ thuật Campuchia và dành trọn vẹn 20 năm giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Nghỉ hưu năm 2003, bà tích cực tham gia các hoạt động xã hội và là Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2010, 2011, 2014, bà lần lượt được Trung tâm Kỷ lục Sách Việt Nam và Sách kỷ lục châu Á xác nhận là phụ nữ đầu tiên sử dụng xe máy Chaly đi khắp 63 tỉnh, thành phố ký họa chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng và là người vẽ chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều nhất.
Ngày 13.11.2020, bà được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Một số bức ký họa Mẹ Việt Nam Anh hùng trưng bày tại sự kiện: