Báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì và tăng trưởng khá: tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,04%, đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Cửu Long, xếp ở nhóm cao cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 39,47%.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 87,45 triệu đồng, tăng 131,89% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công nhanh, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 19.878 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, giải thể tăng cao. Có 183 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 77 doanh nghiệp so cùng kỳ; có 143 doanh nghiệp giải thể, tăng 122 doanh nghiệp so cùng kỳ.
Tại hội nghị cũng đã sơ kết 5 tháng sử dụng thí điểm Sổ tay đảng viên điện tử Đảng bộ tỉnh. Theo đó, việc thực hiện thí điểm sổ tay đảng viên điện tử được triển khai ở 14 chi bộ, đảng bộ cơ sở thuộc Thành ủy Vị Thanh, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, với 1.218/1.277 đảng viên đăng ký tài khoản sử dụng thành công, đạt 95,38%. Ngoài ra, các huyện, thị, thành ủy chủ động hướng dẫn đảng viên đơn vị mình đăng ký được 4.348 tài khoản. Theo thống kê, từ tháng 1.2024 đến nay đã có 46.060 lượt truy cập, bình quân có trên 700 lượt đảng viên sử dụng tài khoản để truy cập thường xuyên.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm như: cụ thể hóa thực hiện một số chủ trương, quy định, đề án của Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng còn chậm; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa nhịp nhàng; việc nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng, một số vấn đề dư luận quan tâm, đôi lúc chưa kịp thời...
Từ thực tế trên, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, người đứng đầu cấp ủy phải nêu cao ý thức trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt, sâu sát trong triển khai thực hiện, nhằm tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng. Bên cạnh đó, thực hiện có nền nếp việc sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ định kỳ, sinh hoạt chuyên đề, đổi mới phong cách làm việc và cải cách hành chính trong Đảng.
6 tháng cuối năm 2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong chương trình công tác quý III.2024 của Tỉnh ủy Hậu Giang là thực hiện tốt các nhiệm vụ chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025-2030, trọng tâm là công tác xây dựng dự thảo báo cáo chính trị; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, thúc đẩy sản xuất; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt theo kế hoạch, khai thác tối đa các tiềm năng, nguồn lực, đầu tư đồng bộ các kết cấu hạ tầng… Hoàn thiện xây dựng bảng mô tả, khung năng lực vị trí việc làm của tỉnh; báo cáo Ban Tổ chức Trung ương và triển khai kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết tâm trong năm 2024, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu trọng yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025.